Giá cước vận tải dự báo tiếp tục neo cao, cổ phiếu ngành logistics sẽ diễn biến ra sao trong nửa cuối năm?

Giá cước vận tải dự báo tiếp tục neo cao, cổ phiếu ngành logistics sẽ diễn biến ra sao trong nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã tác động mạnh đến ngành vận tải biển. Đồng thời, căng thẳng Nga-Ukraine càng làm trầm trọng hơn những vấn đề của nên kinh tế. Lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa.

Nhu cầu vận tải container giảm tốc, giá cước vận tải sẽ dần ổn định trở lại

Đánh giá triển vọng ngành vận tải biển trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, SSI Research cho rằng nhu cầu vận tải container có thể giảm tốc về mức tăng trưởng một chữ số, trong khi nhu cầu vận tải dầu khí tăng. Giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại, nhưng quá trình bình thường hóa sẽ phụ thuộc lớn vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023.

Đối với ngành cảng, SSI Research đánh giá nhu cầu vận chuyển container có thể chậm lại do tiêu thụ toàn cầu yếu trong bối cảnh lạm phát cao và chiến tranh Ukraine. Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội tại Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19 cũng làm tắc nghẽn trong việc lưu thông hàng hóa và dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm.

Theo đó, sản lượng qua cảng có thể tiếp tục đà tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022 (10% so với cùng kỳ) do mức so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể chậm lại về mức một chữ số trong 2023.  

Tuy vậy, đội ngũ phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng dài hạn nhờ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước lân cận khiến một số công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà máy vẫn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ chuỗi cung ứng Trung Quốc, làm gia tăng việc luân chuyển hàng hóa ra vào Việt Nam trong dài hạn.

Đối với vận chuyển container, gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn trong 2022, song sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm 2023, khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường (bao gồm Trung Quốc).

Giá cước vận tải trên thị trường quốc tế sẽ dần bình thường trở lại. Tuy nhiên, với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng chưa được giải quyết, SSI Research cho rằng giá cước sẽ cần một thời gian dài để điều chỉnh từ mức đỉnh, song vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022. Mặc dù vậy, giá cước có thể giảm mạnh vào năm 2023 nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tuy vậy, giá cước vận tải trong nước được dự báo duy trì ở mức đỉnh trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu. Nhu cầu trên thị trường Nội Á vẫn mạnh, do khu vực này hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, điều này giúp hỗ trợ phân khúc tàu feeder.

Giá thuê tàu có thể duy trì ở quanh mức đỉnh trong nửa cuối 2022, sau đó giảm dần trong 2023 khi cung tàu đóng mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, kỳ hạn hợp đồng có thể rút ngắn lại do rủi ro giảm giá trên thị trường.

Đối với vận chuyển tàu tanker, giá cước tàu giao ngay và giá thuê tàu định hạn được thúc đẩy bởi nhu cầu vận chuyển dầu khí tăng, do các lệnh trừng phạt tại phương Tây. Theo đó, các lệnh trừng phạt với Nga được cho rằng vẫn sẽ tiếp diễn sau chiến tranh và giá cước sẽ vẫn ở mức cao trong 2023.

Giá tàu tanker cũng có xu hướng tăng do giá cước tăng trên thị trường tàu đóng mới và tàu cũ. Điều này sẽ có lợi cho các hoạt động thanh lý tàu cũ. Đối với việc đầu tư mới, các hãng tảu có xu hướng chờ đến khi giá cước ổn định ở mức cao hơn – tương tự như những gì đã xảy ra với ngành vận tải container trong hai năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa giữa các mảng 

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển, SSI Research cho rằng lợi nhuận có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ từ nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng so với cùng kỳ có thể duy trì tích cực do mức so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021. Do cạnh tranh gay gắt, một số công ty có thể chịu áp lực trong khi các cảng nước sâu tại Cái Mép và Hải Phòng (Gemalink, HICT) kỳ vọng sẽ đạt kết quả vượt trội. Năm 2023, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có thể chậm lại do nhu cầu yếu.

Đối với các doanh nghiệp container, đơn cử là HAH lợi nhuận sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối 2022 nhờ giá cước và giá thuê tàu vẫn cao, mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ có thể chậm lại do mức so sánh cao trong nửa cuối 2021. Năm 2023, việc mở rộng công suất và gia hạn hợp đồng thuê tàu với mức giá cao hơn có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của HAH, nhưng tăng trưởng có thể giảm tốc do nền so sánh cao hơn.

Đối với vận tải hàng lỏng, tăng trưởng lợi nhuận trong ngành phụ thuộc vào loại hợp đồng mà mỗi công ty đang thực hiện. VOS là công ty có tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ hợp đồng ký theo giá giao ngay. Đối với PVT, do công ty thường ký hợp đồng cho thuê định hạn, tăng trưởng lợi nhuận có thể khiêm tốn trong nửa cuối 2022 và tăng sau các công ty ký hợp đồng giao ngay do thời gian cho thuê thường kéo dài 1 năm và giá thuê cần thời gian để điều chỉnh lên mức mới. Theo đó, triển vọng lợi nhuận đối với các công ty vận chuyển hàng lỏng (cả giá giao ngay và hợp đồng định hạn) sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2023 do căng thẳng địa chính trị và những xung đột liên quan sẽ kéo dài trong dài hạn.

https://cafef.vn/gia-cuoc-van-tai-du-bao-tiep-tuc-neo-cao-co-phieu-nganh-logistics-se-dien-bien-ra-sao-trong-nua-cuoi-nam-20220802151610426.chn

Exit mobile version