Nhiều nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới, khi mà nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.
Giá dầu châu Á lên cao ngất ngưởng
Hoạt động phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu càng lúc càng tăng cao. Trong phiên giao dịch sáng 18/10, giá dầu tại thị trường châu Á lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Lúc 8h11 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 87 xu Mỹ (1%) lên 85,73 USD/thùng. Đây được đánh giá là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, giá ngọt nhẹ New York tăng 1,12 USD (1,4%) lên 83,40 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Đáng nói, trong tuần trước, cả hai mặt hàng này đều tăng ít nhất 3%.
Nguồn cung từ Mỹ được đánh giá là có thể gia tăng. Bởi, các công ty năng lượng đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên tuần thứ sáu liên tiếp.
Theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co, trong tuần tính đến ngày 15/10 số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã tăng thêm 10 lên 543 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một năm trong quý III/2021, do tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và sự bùng phát trở lại các ca mắc COVID-19.
Ấn Độ là một quốc gia thuộc châu Á. Ngày 17/10, giá xăng và dầu diesel tại đất nước này tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 4 ngày qua. Nguyên nhân được cho là do giá dầu thô thế giới đang ở mức cao nhất trong 7 tháng qua.
Theo cập nhật, giá xăng tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã đẩy lên 105,84 rupee (1,41 USD)/lít và giá dầu diesel lên 94,57 rupee (1,26 USD)/lít. Tại trung tâm tài chính Mumbai, giá xăng và dầu diesel ở mức cao hơn, lần lượt là 111,77 rupee và 102,52 rupee mỗi lít.
Sở dĩ có sự khác biệt về giá nhiên liệu giữa các bang tại Ấn Độ bởi mức thuế phụ thuộc của từng bang.
Nhu cầu về dầu được cho là có thể sẽ tăng thêm 450.000 thùng dầu/ngày trong quý IV/2021 trong bối cảnh việc chuyển đổi từ sử dụng khí đốt sang dầu mỏ để sản xuất điện.
Thị trường nhiên liệu máy bay sôi động
Dầu nhiên liệu, dầu sưởi ấm loại cực nhẹ, dầu diesel… vốn bị coi là lực cản lớn nhất đối với biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu toàn cầu kể từ năm 2020 được nâng triển vọng khi mà nhu cầu nhiên liệu hàng không phục hồi xảy ra cùng lúc với mùa cao điểm sử dụng dầu hỏa để sưởi ấm.
Thị trường nhiên liệu máy bay cũng trở nên sôi động hơn trước thông tin Mỹ sẽ mở cửa biên giới cho khách du lịch nước ngoài đã được tiêm phòng vào tháng tới.
Các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang dần nới lỏng các hạn chế về biên giới. Lượng đặt vé máy bay và yêu cầu đi lại vì thế tăng vọt. Các nhà phân tích dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay sẽ phục hồi hoàn toàn sau năm 2023.
Được biết, thông tin từ Refinitiv Eikon, giá nhiên liệu máy bay tại thị trường Singapore ở mức 13,47 USD/thùng trong cuối tuần trước, chỉ thấp hơn 3 xu Mỹ so với mức cao nhất gần hai năm đạt được trong tuần trước đó.
Giám đốc về dầu châu Á tại công ty tư vấn FGE dự báo nhu cầu nhiên liệu máy bay của châu Á sẽ tăng lên 1,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm và tăng so với mức trung bình 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể bằng so với trước đại dịch là khoảng 2,3 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, ông Paravaikkarasu cho rằng, trong số các loại nhiên liệu vận tải khác, nhiên liệu máy bay sẽ là loại nhiên liệu cuối cùng phục hồi về mức trước đại dịch. Lý do được đưa ra bởi, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều ở một số quốc gia ở châu Á sẽ tiếp tục cản trở nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực vào năm 2022 và sẽ chỉ đạt mức bình thường vào năm 2023.
Giá dầu thô tiếp tục tăng trong vài năm tới?
Cả 3 tổ chức năng lượng lớn là Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều nâng dự báo tiêu thụ dầu trong quý IV năm nay.
Tuy nhiên, mới đây ông Damien Courvalin, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của ngân hàng Goldman Sachs tiếp tục nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới, khi mà nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.
Theo ông Damien Courvalin, giá dầu Brent trung bình có thể giữ ở mức khoảng 85 USD/thùng. Trong ngắn hạn, cuối năm giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng. Cũng theo vị này, đợt tăng giá dầu thô sắp tới không đơn thuần là do nhu cầu trong mùa đông tăng cao mà là có thể là sự bắt đầu của việc thiết lập mặt bằng giá mới của dầu thô.
Ông Damien Courvalin nhận định, thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Hoạt động khai thác không cải thiện nhiều trong khi nhu cầu tăng cao, đồng nghĩa với việc thị trường sẽ ở trong tình trạng “thâm hụt nguồn cung kéo dài”. Đây được cho là một chỉ báo về việc giá dầu cao sẽ tiếp tục kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
Bài học nhãn tiền có thể dễ dàng nhìn thấy chính là việc giá than đạt ngưỡng kỷ lục do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Đây có thể coi là tín hiệu cảnh báo rằng tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra với giá dầu thô.
Ông Damien Courvalin nhấn mạnh, cần nhận thức rõ rằng việc chuyển đổi sang các loại năng lượng sạch sẽ cần nhiều thời gian và những lời kêu gọi ngừng đầu tư vào dự án khai thác năng lượng hóa thạch sẽ càng làm giá năng lượng tăng cao trong những năm tới.
Cát Anh