Ôtô lắp ráp trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Ôtô lắp ráp trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Nghị định số 36 mới ban hành sẽ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đến 20/11/2023.

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36 gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước phải nộp của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 sẽ được lùi hạn nộp, muộn nhất là vào 20/11/2023.

Nghị định 36 có hiệu lực kể từ ngày 21/6 đến hết năm 2023. Sau thời gian gia hạn, loại thuế này được nộp theo quy định hiện hành.

Để được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp có thể gửi giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức giấy hoặc điện tử đến cơ quan thuế. Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ của kỳ tính thuế được gia hạn làm tăng số thuế phải nộp, thì số thuế được gia hạn sẽ bao gồm cả khoản thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Trong diện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả các chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp sản xuất ôtô. Các đơn vị thực hiện khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ không được gia hạn.

Tính từ năm 2020, Nhà nước đã có lần thứ tư gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Năm ngoái, Nhà nước áp dụng chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Số thuế giãn nộp là trên 9.600 tỷ đồng.

Tìm hiểu về thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội cũng như điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng. Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Mặc dù, các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng người tiêu dùng mới chính thức là người chịu thuế, nó đã được cộng vào giá bán.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi 2014) và khoản 2 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, các đối tượng chịu thuế tiêu đặc biệt gồm có:

Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như:

– Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;

– Rượu;

– Bia;

– Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;

– Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;

– Tàu bay, du thuyền (sử dụng cho mục đích dân dụng).

–  Xăng các loại;

– Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

– Bài lá;

– Vàng mã, hàng mã (không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học).

Tuy nhiên, loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phải là các sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh.

Ngoài ra, các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm có:

– Kinh doanh vũ trường;

– Kinh doanh massage, karaoke;

– Kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự;

– Kinh doanh đặt cược như: Đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật;

– Kinh doanh golf, gồm hoạt động bán thẻ hội viên, vé chơi golf;

– Kinh doanh xổ số.

Exit mobile version