Giá khí đốt tăng vọt, Nga dự báo ngân sách thu thêm 50 tỷ USD

Giá khí đốt tăng vọt, Nga dự báo thu thêm 50 tỷ USD

Giá khí đốt tăng vọt, Nga dự báo thu thêm 50 tỷ USD

Giá nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt tiếp tục tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngân sách của Nga được dự báo sẽ có thêm tới 50 tỷ USD.

Nguồn thu từ khí đốt hứa hẹn lên tới 50 tỷ USD

Đến thời điểm hiện tại, giá dầu thô vẫn tiếp tục tăng và chưa có xu hướng dừng lại. Chi phí của một thùng dầu thô hiện đã vượt quá 83 USD. Giá khí đốt cũng tăng trưởng theo chiều dọc, không kém cạnh.

Theo dự báo của Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch, năm 2021, nguồn thu từ dầu khí đóng góp vào ngân sách Nga sẽ đạt 9 nghìn tỷ Ruble, tương đương 125 tỷ USD.

Theo giả định của các chuyên gia hàng đầu thế giới vào đầu năm nay, Fitch dự báo giá “vàng đen” ở mức 45 USD/thùng tại thời điểm tháng 12/2021. Tuy nhiên thời điểm đầu tháng 10, con số đã là 84 USD.

Còn các chuyên gia Phố Wall dự báo, vào đầu tháng 10, giá thành 1.000 m3 khí đốt đã tăng lên tới gần 2.000 USD, mặc dù hiện tại đã giảm đi nhiều.

Nhìn chung, lợi nhuận bổ sung của Nga từ việc tăng giá dầu và khí đốt trong năm nay hứa hẹn lên tới 50 tỷ USD. Trong đó, thị phần của “vàng đen” chiếm hơn 75% và khí đốt lên đến 25%.

Theo các chuyên gia độc lập, các quan chức Nga nên bắt đầu suy nghĩ về việc phân chia lợi nhuận tự do cho một bộ phận người nộp thuế quan tâm nhất đến các khoản đầu tư khẩn cấp.

Tiến sĩ Kinh tế Igor Nikolaev của Đại học Quốc gia Moskva cho rằng, cách hợp lý nhất để phân phối quỹ là sử dụng một phần để hỗ trợ cho người dân.

“Khoảng 20 triệu người ở nước ta vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Không khó để tính toán rằng mỗi người dân – nếu ước tính của Fitch là chính xác, sẽ nhận được 2.500 USD, tương đương khoảng 180.000 Ruble”, vị này nói.

Trong khi đó, theo ông Nikita Maslennikov – một chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Công nghệ Chính trị, chính phủ Nga cần cân nhắc kỹ lưỡng việc phân bổ lợi nhuận từ dầu khí.

Ông tin rằng việc phát hành tiền trợ cấp không có kế hoạch cho người dân không nên biến thành phân phối kiểu cào bằng.

“Để tránh gây ra lạm phát – trợ cấp nên được hướng đến những nhóm người nghèo dễ bị tổn thương nhất. Khoản tiền từ dầu khí có thể giúp ích rất nhiều cho những người Nga đang gặp khó khăn”.

Tuy nhiên, ông này nhận định: “Khả năng cao là nhà nước sẽ tự bảo hiểm và trích thu thặng dư vào một túi riêng để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra tiếp theo, hoặc để thu hút cử tri trong các cuộc bầu cử trong tương lai”.

Nga dính cáo buộc đẩy giá khí đốt tự nhiên

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận những cáo buộc cho rằng Nga cố tình đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao bằng cách hạn chế xuất khẩu khí đốt sang thị trường này.

Theo đó, giới chức Liên minh châu Âu (EU) gần đây nói rằng nguồn cung khí đốt chậm hơn từ Nga là một phần nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow, ông Putin gọi những cáo buộc như vậy là “có động cơ chính trị” và vô căn cứ.

Trong phát biểu ngày 13/10, ông Putin mềm mỏng nói rằng Nga “sẵn sàng thảo luận bất kỳ biện pháp bổ sung nào” với các chính phủ châu Âu để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng xấu đi.

Được biết, theo số liệu của Uỷ ban châu Âu (EC) giá điện bán buôn ở châu Âu hiện đã tăng 200% so với mức bình quân của năm 2019. Lý giá điện tăng bởi nhu cầu khí đốt tăng mạnh ở châu Á và lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu ít hơn dự kiến.

Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, nhu cầu tiêu thụ điện tại hầu hết các quốc gia châu Âu được đáp ứng bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Trong khi đó, 40% lượng khí đốt mà châu Âu tiêu thụ được nhập khẩu từ Nga.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã phải kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu để giúp giải toả cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này. Theo tổ chức này, dù Nga đang tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng châu Âu, nhưng thực tế, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu đang giảm so với mức của năm 2019.

Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trong cuộc họp báo ngày 13/10 nói rằng Nga đã tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu lên mức cao nhất có thể theo các hợp đồng hiện có và không thể vượt qua ngưỡng này.

Ở một diễn biến khác, ngày 13/10, Ủy ban châu Âu (EC) công bố một loạt biện pháp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong đó có việc đẩy nhanh cuộc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh.

Để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng phó với giá điện cao nhất một thập kỷ, các nước thành viên EU trước đó đã triển khai một loạt biện pháp khẩn cấp phải kể đến như hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình, trợ cấp cho doanh nghiệp, và giảm thuế có trọng điểm.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version