Sau khi giả danh nhân viên Cục thuế, kẻ lừa đảo đã hướng dẫn người dùng cài đặt ứng dụng này để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cục Thuế TP HCM phát cảnh báo
Cục thuế TP HCM đã phát đi cảnh báo này vào ngày 8/4. Theo cơ quan này, hiện đang có một số đối tượng giả danh công chức nhà nước, thực hiện cung cấp đường link và hướng dẫn người dùng cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước. Từ đó, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.
Trước đó, VnExpress đã phản ánh về trường hợp một người dân bị chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng. Thủ đoạn là, kẻ gian đã giả mạo người của cục thuế, sau đó hướng dẫn nạn nhân cài đặt ứng dụng.
Theo chia sẻ của nạn nhân, khi chờ kết quả đăng ký mã số thuế mới, cô đã nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên công nghệ thông tin của ngành thuế. Đối tượng đã hướng dẫn cô tải, đăng ký tài khoản trên phần mềm kê khai thuế HCM Tax – Cục thuế TP HCM.
Thấy ứng dụng nặng nên cô đã gỡ khỏi điện thoại sau đó. Thế nhưng, chỉ khoảng nửa ngày sau, tài khoản ngân hàng của cô đã bị trừ sạch tiền lúc nửa đêm.
Cục thuế thành phố cho biết, khi sử dụng các ứng dụng do ngành thuế phát triển như Etax Mobile, Tra cứu hóa đơn, HCMTax, người nộp thuế lưu ý không tải và cài đặt ứng dụng qua các đường dẫn (url) hoặc đường dẫn không chính thức.
Ngoài ra, đơn vị cũng đưa ra khuyến cáo, khi cài đặt, người dùng có thể nhận biết ứng dụng lừa đảo thông qua các dấu hiệu như yêu cầu cấp quyền xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình… Trước khi cấp các quyền trên, người dân cần kiểm tra lại ứng dụng và các tính năng ứng dụng.
Bùng nổ thủ đoạn mượn tiền bằng video Deepfake
Không còn đơn thuần là gửi tin nhắn mượn tiền, những tên tội phạm mạng thậm chí còn “gọi” video call để mượn và chiếm đoạt số tiền của nhiều người.
Chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho rằng, bằng việc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Instagram…những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói. Sau đó, chúng nghiên cứu lịch sử giao dịch, tin nhắn, cách xưng hô… để tạo ra những cuộc gọi giả.
Các nạn nhân đã bị kẻ lừa đảo chủ động nhắn tin mượn tiền trước, sau đó videocall bằng đoạn video Deepfake “chập chờn” mất sóng để tạo sự tin tưởng. Các nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy.
Chị V.T.M (26 tuổi ở Long Biên, TP Hà Nội) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài. Người này nhờ chuyển 75 triệu đồng tiền vào một số tài khoản. Dù đã cẩn thận gọi video lại để kiểm tra, nhưng chị M. vẫn bị lừa bởi hình ảnh bên kia đúng là bạn mình.
Một thời gian sau, chị V.T.M phát hiện trang cá nhân của người thân đăng thông báo về việc bị kẻ gian hack nick Facebook hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Khi gọi điện lại, chị M. mới biết mình bị lừa.
Tương tự, anh V.Đ.C (42 tuổi ở Cổ Nhuế, TP Hà Nội) bị lừa mất 30 triệu đồng sau cuộc video Deepfake. Cụ thể, sau khi một tài khoản người thân bên nước ngoài nhắn tin mượn tiền với lý do có việc gấp, anh C. nhận được cuộc gọi video thông qua ứng dụng Messenger.
Theo lời anh V.Đ.C, cuộc gọi diễn ra ít giây, anh vẫn thấy được khuôn mặt người thân, cách xưng hô cũng quen thuộc. Tuy nhiên, cuộc gọi này chập chờn. Đầu bên kia sau đó nhắn lại là sóng yếu, không thể gọi video tiếp được nên chuyển sang nhắn tin cho tiện. Vì tin tưởng, anh C. đã chuyển tiền, làm theo hướng dẫn.