Giá phân bón thế giới tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi ?

Phan-bon-ton-kho-trong-nuoc-bao-nhieu.jpg

Giá phân bón tiếp tục leo thang theo thế giới, soi hàng tồn kho doanh nghiệp phân bón

Cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón đều tăng đáng kể giá trị hàng tồn kho so với đầu năm. Riêng Đạm Hà Bắc, Phân bón miền Nam ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho.Giá phân bón thế giới liên tiếp phá kỷ lục trước cuộc khủng hoảng năng lượng và các nước thắt chặt xuất khẩu phân bón.

Giá phân bón thế giới liên tiếp phá kỷ lục, giá trong nước tăng nóng

Theo Bloomberg, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets của Bloomberg ngày 13/11 là 1.202,6 USD/tấn, cao hơn 4,4% so với mức kỷ lục ghi nhận vào tuần trước. Giá ure tại New Orleans (Mỹ) tăng 8,3% so với ngày trước đó, lên 892 USD/tấn vì hãng sản xuất lớn CF Industries Holdings Inc tiếp tục cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Giá phân bón tăng mạnh khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khiến giá khí thiên nhiên – nguyên liệu chính cho một số loại phân bón – trở nên đắt đỏ trong thời gian vừa qua. 2 nhà máy phân bón lớn ở Anh đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Không chỉ châu Âu, tờ nhật báo Triều Tiên Daily NK cho biết, nước này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu amoniac, khiến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất lớn như Trung Quốc, Nga lại hạn chế xuất khẩu để đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa khiến nguồn cung thế giới trở nên hạn hẹp. Giữa tháng 10, Trung Quốc đã liệt kê 29 loại phân xuất khẩu sẽ nằm trong phạm vi bị kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, trong đó có ure, NPK. Tuần trước, Nga cũng công bố kế hoạch áp đặt hạn ngạch xuất khẩu mặt hàng này. 

Trước diễn biến này, các chuyên gia dự báo trong những tháng cuối năm và thậm chí cả năm 2022, thế giới có thể sẽ bước vào một “cuộc chiến giành giật phân bón”.

Cùng với đó, giá các loại phân bón trong nước tiếp tục leo thang theo giá thế giới. Theo thống kê trong vòng 2 tháng qua, giá các loại phân bón ở khu vực Đông Nam Bộ liên tục tăng mạnh từ 165.000 đồng/bao 50 kg cho đến 270.000 đồng/kg, tăng mạnh nhất phải kể đến phân ure, DAP. Còn xét trong vòng 1 tháng thì giá phân bón tăng từ 60.000 đồng/bao đến 125.000 đồng/bao, tăng mạnh phải kể đến NPK Cà Mau và NPK Phú Mỹ tăng 125.000 đồng/bao.

Cụ thể, phân ure Cà Mau ghi nhận mức giá bình quân 925.000 đồng/bao (50 kg), tăng 10,8% so với tháng trước và tăng 150% so với đầu năm. Ure Phú Mỹ đạt 890.000 đồng/bao, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 143% so với cùng kỳ năm trước. DAP Hồng Hà và DAP Đình Vũ tăng 4-5% so với tháng trước. NKP Phú Mỹ và NPK Cà Mau ghi nhận mức tăng gần 19% so với tháng trước lên lần lượt 790.000 đồng/bao. NPK Bình Điền tăng 7,5% lên 930.000 đồng/bao.

***Điểm tin doanh nghiệp 15/11: TCM lần đầu lãi trong năm, TVB nâng tầm, GAS đầu tư hạ tầng***

Doanh nghiệp phân bón tăng mạnh giá trị hàng tồn kho

Trong bối cảnh giá phân bón liên tục leo thang, nguyên liệu thiếu hụt, doanh nghiệp nào có lượng hàng tồn kho lớn sẽ hưởng lợi. Theo thống kê trên hơn 11 doanh nghiệp phân bón đã niêm yết hoặc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, giá trị hàng tồn kho đạt gần 7.700 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Đa phần, giá trị hàng tồn kho tăng nhờ hàng hóa, thành phẩm trong khi nguyên vật liệu duy trì tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ. Nhiều doanh nghiệp thuần kinh doanh phân bón tăng tích trữ đáng kể hàng tồn kho.

Đạm Phú Mỹ (DPM) ghi nhận giá trị hàng tồn kho lớn nhất với 1.758 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nguyên vật liệu tương đương đầu năm với 500 tỷ đồng, thành phẩm giảm 16,7% nhưng hàng hóa tăng mạnh 230% từ 93 tỷ lên 309 tỷ đồng và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cũng gấp 7,7 lần lên 371 tỷ đồng.

Đạm Cà Mau (DCM) tăng 73% lên 1.446 tỷ đồng, chủ yếu tăng trong thành phẩm từ 139 tỷ đồng lên 604 tỷ đồng, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng từ 47 tỷ lên 133,7 tỷ đồng, trong khi nguyên liệu và hàng hóa tăng nhẹ.

Nhiều doanh nghiệp thuần túy kinh doanh phân bón cũng gia tăng tích lũy đáng kể hàng tồn kho. Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Bắc (HNX: PMB) – công ty con chuyên phân phối sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ ở khu vực phía Bắc ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý III đạt 66,5 tỷ đồng, gấp 6 lần thời điểm đầu năm. Cùng với việc giá trị hàng tồn kho tăng mạnh thì khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 16,4 tỷ lên 82 tỷ đồng.

Công ty con khác của Đạm Phú Mỹ – Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PSW) chuyên kinh doanh sản phẩm phân bón thương hiệu Phú Mỹ ở khu vực miền Tây Nam Bộ cũng có giá trị hàng tồn kho tăng mạnh so với đầu năm, đạt 124 tỷ đồng, gấp 3 lần. Tương tự PMB, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của PSW cũng tăng vọt từ 5,4 tỷ lên 80,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp phân bón nào cũng gia tăng giá trị hàng tồn kho. Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) giảm 34% giá trị hàng tồn kho xuống 351 tỷ đồng so với đầu năm, Phân bón miền Nam (HoSE: SFG) giảm nhẹ từ 418 tỷ đồng xuống 413 tỷ đồng, DAP Vinachem (UPCoM: DDV) tương đương đầu năm với 223 tỷ đồng.

Exit mobile version