Trong 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, diễn biến tình hình trên thị trường vẫn rất khó dự đoán khi lượng cung vẫn đang khá lớn.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc biến động mạnh
Theo Reuters, sản lượng lợn Trung Quốc trong 9 tháng năm 2021 tăng 38% so với năm ngoái, đạt hơn 39 triệu tấn; trong đó, quý III năm nay ước đạt hơn 12 triệu tấn, tăng 43% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ quý III/2018 (thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc). Tuy nhiên, sản lượng trong quý III vẫn thấp hơn quý II/2021 khoảng 1,5 triệu tấn. Điều này trái với dự báo của các chuyên gia trước đó.
Việc sản lượng thịt lợn tăng mạnh một phần do các công ty chăn nuôi lớn đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ Nhân dân tệ để mở rộng quy mô trong năm 2020, với tham vọng gia tăng thị phần sau dịch tả lợn châu Phi.
Giống như Việt Nam, giá lợn tại Trung Quốc có xu hướng biến động mạnh. Hiện giá lợn hơi tại thị trường 1,4 tỷ dân đã giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020, khiến nhiều hộ chăn nuôi bán tháo và nhân cơ hội này loại bỏ những con lợn nái kém năng suất.
Theo Rabobank, trong quý II nhiều nhà sản xuất nhỏ vẫn còn hy vọng giá sẽ phục hồi, nhưng đến quý III, khoản lỗ đã kéo dài đủ để họ dừng lại và không còn dòng tiền. Vào tháng 8/2021, một số nhà chăn nuôi đã lỗ khoảng 1.000 Nhân dân tệ/con lợn (hơn 3 triệu đồng) khi giá thị trường giảm xuống còn 11 Nhân dân tệ/kg.
Số liệu do Cục Thống kê của Trung Quốc công bố, tổng đàn lợn của nước này giảm từ 439,1 triệu con vào cuối tháng 6 xuống 437,6 triệu con vào cuối 9/2021 (giảm khoảng 2 triệu con trong vòng 3 tháng). Số lượng lợn được giết mổ trong 9 tháng năm 2021 đạt 492 triệu con, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, ngành thịt lợn của EU cũng đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung, giá xuất khẩu giảm mạnh. Đáng chú ý, sản lượng thịt lợn của EU dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021. Xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và Anh giảm thì xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Philippines và Việt Nam lại tăng.
Theo báo cáo quý mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu dự báo tăng 5% trong năm 2021, lên 101,5 triệu tấn nhờ sự phục hồi sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu thịt lợn ra sao?
Đang có nhiều băn khoăn về giá thịt lợn trong nước hiện nay; câu hỏi đặt ra là có phải việc nhập khẩu khiến giá trong nước diễn biến bất lợi cho người chăn nuôi?
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã có thông tin cụ thể về việ cân đối cung – cầu thịt lợn cho thị trường nội địa. Cụ thể, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, đơn vị này cho hay tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 3,06 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu của Cục Thú y, 9 tháng năm 2021, lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Năm 2020, cả nước nhập khẩu 599 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu thịt lợn là 225,5 nghìn tấn, chiếm 6,4% tổng sản lượng thịt lợn trong nước.
“Từ số liệu trên cho thấy tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Thế nên, có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin.
Hiện, giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân khách quan, khiến giá lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới chăn nuôi toàn thế giới. Tại các nước có ngành chăn nuôi lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… người nuôi cũng đối mặt với khó khăn tương tự, cơ quan này nhận định.
Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT đến đâu?
Bộ trưởng Bộ NTT&PTNT Lê Minh Hoan cho biết giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào yếu tố cung – cầu gặp nhau. Tuy nhiên cùng lúc do thị trường bị đứt gẫy vì dịch COVID-19 thì “rộ” lên thông tin cho rằng thịt lợn đang “thừa mứa”, tạo nên “yếu tố cảm xúc” khiến người nông dân bằng mọi giá phải bán ra.
Cùng một lúc nhiều người bán nên tạo áp lực đầu cung trên thị trường. Vì vậy, cần bình tĩnh phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng để xem nguyên nhân nằm ở đâu để tháo gỡ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng về vấn đề cung-cầu thị trường, chúng ta phải quen dần trường hợp có lúc lên lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối được. Vì có nhiều tác nhân tham gia chuỗi, đặc biệt trong thời điểm cục bộ.
Theo Bộ trưởng, từ trước tới nay, ngành nông nghiệp chỉ tập trung nhiệm vụ khuyến khích sản xuất, nên cứ sản xuất và lấy số liệu sản xuất đó. Nhưng, đây chưa phải là kinh tế mà chỉ khi nào hàng hóa ra đến thị trường thì mới là kinh tế.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần quan tâm hơn tới vấn đề kết nối nông sản giữa đầu vào với đầu ra. Đồng thời cần công nghệ số để quản lý việc này thuận tiện hơn. Ngành nông nghiệp phải đảm nhiệm thêm đầu thị trường, thì mới khuyến khích nông dân tăng, giảm sản lượng như thế nào, vào lúc nào…
“Sản lượng tăng không đồng nghĩa với thu nhập tăng, thậm chí có thời điểm ngược lại, như thời điểm này, sản lượng thịt lợn dư nhưng thu nhập của bà con lại lao đao do giá xuống. Do đó phải tuân theo đúng quy luật kinh tế thị trường”, Bộ trưởng cho biết.
Nói về việc tính toán cân đối cung-cầu của thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết vừa qua, các địa phương đã mở luồng xanh, nhiều hoạt động trở lại, chợ mở cửa, nên giá đã bắt đầu nhích lên. Do đó, cần thực hiện chủ trương phục hồi kinh tế, mở thị trường linh hoạt, trong điều kiện an toàn sẽ giúp tác động cung-cầu.
“Bộ NN&PTNT không thể tác động cung cầu để đẩy giá lên. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với các ngành để giải quyết được việc mở cửa thị trường, không bị tắc khâu vận chuyển. Tuy nhiên, tình hình rất khó lường, tất cả các phương án là dự trù bởi dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Trong thời gian tới, với chủ trương bao phủ vaccine cao của Chính phủ, chiều hướng thị trường sẽ tốt hơn”, ông Hoan nhận định và cho biết ngành nông nghiệp có trách nhiệm đưa ra nhiều kịch bản để làm sao đảm bảo cung cầu, nhất là vào dịp Tết.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ bám sát và thống kê lại số lượng, phân loại theo độ tuổi của lợn, đồng thời tập trung phân tích lại đầu cung theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng dịp Tết trong nhiều năm vừa qua. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cũng sẽ ngồi lại với các trung tâm phân phối, tiêu thụ lớn và cùng với các doanh nghiệp FDI để phân tích số liệu cụ thể.
Giá thịt lợn đã ngưng đà giảm
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn đã ngưng đà giảm. “Trong 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg. Đến hôm nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 36 nghìn đồng – 45 nghìn đồng/kg. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi”, ông Toản nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19. Cùng với đó, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; có chính sách bố trí đất cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.