Giá vật liệu xây dựng tăng “không phanh” khiến nhà thầu lao đao

Giá vật liệu xây dựng tăng "không phanh" khiến nhà thầu lao đao

Giá vật liệu xây dựng tăng "không phanh" khiến nhà thầu lao đao

Đợt tăng giá vật liệu xây dựng vào giai đoạn đầu năm 2021 đã khiến phần lớn nhà thầu xây dựng phải tạm dừng thi công vì gặp khó khăn về tài chính.

Vào thời điểm giá vật liệu xây dựng leo thang, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động cùng tâm thế cầm cự là chính, làm nhưng không có lợi nhuận. Nút thắt của các nhà thầu xây dựng là mong muốn chủ đầu tư điều chỉnh giá lên theo giá vật liệu nhưng hầu hết chủ đầu tư không đồng ý.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xây dựng đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tốc độ tăng giá phi mã không chỉ diễn ra với sắt thép, mà cáp đồng, xi măng và nhiều thiết bị điện đều tiếp đà tăng giá, dẫn đến chi phí xây dựng bị đội lên cao hơn rất nhiều.

Vừa trải qua đợt giãn cách xã hội dài, các công trình vừa kịp “bắt nhịp” lại với thị trường xây dựng thì việc giá vật liệu xây dựng tăng trở lại, khiến nhiều nhà thầu xây dựng “khóc ròng” thêm lần nữa.

Các công trình vừa kịp “bắt nhịp” lại với thị trường thì gặp ngay làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng

Chính bởi cái khó này mà doanh nghiệp xây dựng rất “dè dặt” trong ký hợp đồng mới. Còn với những doanh nghiệp đã đặt bút ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án trước khi vật liệu tăng giá cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Không chỉ gặp khó khăn do giá vật liệu tăng chóng mặt mà còn xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, khiến cho các nhà thầu xây dựng vô cùng “đau đầu” để tiếp tục triển khai thi công dự án, đảm bảo hoàn thiện theo đúng tiến độ của chủ đầu tư.

Về phía chủ đầu tư, họ cũng khó để chấp thuận giãn tiến độ thi công hay điều chỉnh chi phí hợp đồng, vì họ cũng chịu sự ràng buộc pháp lý về giá bán sản phẩm cho khách hàng theo hợp đồng và thời gian bàn giao nhà. Còn với các hợp đồng ký sau khi giá vật liệu xây dựng tăng thì nhà thầu buộc phải điều chỉnh giá sao cho hợp lý với tình hình hiện nay.

Theo chia sẻ một doanh nghiệp xây dựng, nếu tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng kéo dài thì nền kinh tế sẽ chịu hệ lụy không tốt từ vấn đề này.

Không chỉ nhà thầu xây dựng lao đao, người xây, mua nhà cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Một số chuyên gia nhận định, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành chính sách điều chỉnh lại giá vật liệt, nếu không sẽ ngày càng có nhiều dự án phải “đắp chiếu,” từ đó tạo gánh nặng lên giá nhà.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, từ giai đoạn đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, sắt, thép đã có những đợt tăng “chóng mặt”.

Ông Đính nhấn mạnh, nếu tình trạng này còn tiếp diễn trong thời gian tới, chắc chắn đa phần chủ đầu tư sẽ phải dừng lại, bởi nếu tiếp tục thi công sẽ bị lỗ nặng. Vì thế, theo lẽ thường, nhà đầu tư sẽ chọn cách bỏ cuộc và chịu nộp phạt. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường, gây khó khăn cho chủ đầu tư về nguồn cung.

Nếu giá vật liệu vẫn tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung sản phẩm mới

Không những vậy, việc giá vật liệu xây dựng tăng cao trong bối cảnh Chính phủ đang ban hành nhiều chính sách nhằm khôi phục lại phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, tuy nhiên các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần sớm đưa ra chính sách để điều tiết giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và sắt thép, bởi đây là nguồn cung có tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói.

Exit mobile version