Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tục “leo thang” khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có khách, thu không đủ chi. Không chỉ các nhà xe lớn những nhóm tài xế taxi, xe ôm công nghệ cũng điêu đứng khi thu nhập hiện nay sụt giảm đáng kể.
Giá xăng dầu leo thang, doanh nghiệp vận tải lao đao
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Sắp đến giờ khởi hành nhưng trên chuyến xe khách tuyến TP Hồ Chí Minh – Sóc Trăng, lượng hành khách chưa đến một nửa so với số ghế.
Lượng khách không nhiều trong khi giá nhiên liệu liên tục diễn biến tăng giá nên doanh nghiệp đã giảm một nửa lượng xe. Số còn lại hoạt động cầm chừng để giữ chân khách. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà xe.
Để có thể duy trì hoạt động, đa số các nhà xe tại TP Hồ Chí Minh đều cắt giảm tối đa chi phí, dừng hoặc giảm số chuyến và các tuyến không cần thiết. Còn các bến xe thì tìm cách chia sẻ với doanh nghiệp.
“Bến xe cũng đã hỗ trợ rất nhiều như giảm giá các quầy vé, cũng như dịch vụ hỗ trợ vận tải để chia sẻ bớt khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Đỗ Phú Đạt – Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh cho hay.
Hiện tại Bến xe Miền Đông, khoảng 30 đơn vị, chiếm 1/5 số doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị tăng giá vé. Tuy nhiên, tăng giá vé đồng nghĩa với việc khó giữ chân lượng hành khách vốn đã rất ít ỏi. Vì vậy, các doanh nghiệp đều đang phải cố xoay sở để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhiều ngày nay, nhà xe Gia Huy chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội – Ninh Bình đã rơi vào cảnh vắng khách, thua lỗ do dịch bệnh diễn biến phức tạp và xăng dầu liên tục tăng giá. Trung bình mỗi chuyến xe phải tốn nhiều chi phí như: Xăng, dầu xe, tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, phụ xe, tiền thu phí…
Ông Trần Trung Sơn, nhà xe Gia Huy cho biết, do dịch bệnh, từ sau Tết, lượng khách đi xe không ổn định, chuyến nào nhiều khách là hơn 10 người, còn có chuyển chỉ được 5-6 khách với mức giá vé không đổi so với những năm trước.
“Giá xăng tăng, khách ít đi lại. Mong muốn hết dịch bệnh, trở lại bình thường, số lượng khách thì tương đối hơn, sẽ có hy vọng về kinh tế. Bởi bây giờ đi thì chỉ mong cầu hòa. Đợt vừa rồi dầu lên đến 4.000 – 5.000 đồng/lít thành ra vất vả hơn. Xe 29 chỗ khi chưa dịch chở 25-27 chỗ giờ chỉ chở 5-7 người” – một lái xe nhà xe Gia Huy nói.
Xăng tăng giá không chỉ tác động đến các dịch vụ vận tải, mà còn đến những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ…
Hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30-35% cơ cấu giá cược vận tải. Trước đó, Grab – hãng taxi công nghệ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam đã thông báo tăng cước tất cả dịch vụ từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, hãng xe này tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng.
Ngược lại với hãng taxi công nghệ, các đơn vị vận tải vẫn đang “án binh bất động” để theo dõi diễn biến xăng dầu có ổn định lại rồi mới tính toán xin điều chỉnh mức giá phù hợp