Giá xăng dầu tăng “giáng đòn” mạnh vào doanh nghiệp trong nước

Giá xăng dầu tăng “giáng đòn” mạnh vào doanh nghiệp trong nước

Giá xăng dầu tăng “giáng đòn” mạnh vào doanh nghiệp trong nước

Giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng được cho là đã giáng mạnh một đòn vào các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải…

Giá xăng trong nước tiếp tục tăng

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm…

Tác động của các yếu tố xăng dầu thế giới đã tác động không nhỏ đế giá xăng dầu trong nước. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg.

Trong kỳ điều hành ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92, chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng RON95, giữ nguyên mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi Quỹ BOG đối với dầu mazut và điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Động thái này nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Theo yêu cầu điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng mỗi lít; Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít.

Trong khi đó, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Sau điều chỉnh, RON 95 ở mức giá là 24.330 đồng/lít.

Dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít, bán ra ở giá 18.710 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, bán ra ở mức  17.630 đồng/lít. Dầu mazut tăng 120 đồng/kg, giá bán ra là 17.210 đồng/kg.

Thống kê cho thấy, thị trường xăng dầu trong nước trải qua 19 lần điều chỉnh giá từ đầu năm tới nay. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Đối với xăng, đây là mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Giá xăng dầu ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển kinh tế

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bình thường, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Việc giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Trên thế giới, tác động của giá xăng dầu đến ngành hàng không khá rõ rệt. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá xăng hàng không đã tăng gấp đôi trong năm qua lên gần 750 USD/tấn.

Ed Bastian, Giám đốc điều hành của Delta Air Lines cho biết, giá dầu tiếp tục tăng gây áp lực lên lợi nhuận của hãng bay này. Theo dữ liệu từ cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tại Boston cho biết, thiệt hại của ngành vào năm 2021 sẽ nghiêm trọng hơn dự kiến ​​ban đầu, lên tới 51,8 tỷ USD. Còn năm 2022, các hãng hàng không toàn cầu ước tính sẽ lỗ 11,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm còn cho rằng, giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % – mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp “khóc”

Nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Sau khi dịch bệnh lần thứ 4 được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi đến bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu rõ: “Việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Cho đến nay, hoạt động vận tải hành khách hàng không, đường bộ, đường sắt đều đã được khôi phục dần, chia làm nhiều giai đoạn nhằm thích ứng với tình hình chung của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc giá xăng trong nước liên tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

Nhiều doanh nghiệp lo không thể giữ được giá cước vận chuyển trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước.

Như ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu cho biết, từ tháng 1 cho đến nay, xăng dầu tăng liên tiếp từ mốc 17.000 đồng lên đến 24.000 đồng/lít, giá dầu từ 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít và đây là mức tăng “khủng khiếp” khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao.

Doanh nghiệp của ông Thành chuyên vận chuyển hàng đường dài tuyến Bắc – Nam. Thông thường, mỗi chuyến xe container chở hàng từ TP.HCM – Hà Nội có doanh thu khoảng 40 triệu đồng nhưng chi phí dầu chiếm tới 35% (14 triệu đồng). Bởi vậy, ông Thành cho hay sẽ phải tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu.

Dù vậy, cái khó là với các hợp đồng đã ký; việc thay đổi giá cước vận chuyển không dễ gì khách hàng chấp nhận, chưa kể sẽ mất nhiều đơn hàng lẻ.

Đáng nói, không chỉ doanh nghiệp vận tải mới chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao mà nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng vô cùng lo lắng bởi chi phí vận hành đội lên không ít.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tại TP.HCM cho biết: “Áp lực tăng giá thành sản phẩm đầu ra với chúng tôi đang rất lớn nếu đợt nhập hàng sản xuất tiếp theo đối tác vẫn tăng giá”. Bởi trong đợt nhập nguyên vật liệu sản xuất mới nhất, đối tác báo giá tăng 10%, thậm chí có loại tăng 30% vì giá nhiên liệu đầu vào tăng.

Cát Anh

Exit mobile version