Đã qua 09 tháng đầu của năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội mới chỉ đạt 37,8%; lãnh đạo TP. Hà Nội phải họp và chỉ đạo khẩn trương tăng tốc trong các tháng cuối năm.
Giải ngân đầu tư công dưới 10%, 07 quận, huyện bị “gọi tên”
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn, đến ngày 11/10/2021, toàn Thành phố giải ngân đầu tư công được 15.779,698 tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp Thành phố là 5.682,368 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư phát triển khác (giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và Sở Tài chính) là 1.050 tỷ đồng, đạt 70,9% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư cấp huyện 9.510,829 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch Thành phố giao sau điều chỉnh.
Trong khó khăn chung, một số sở, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công tốt là: Thanh Trì (100%), Đống Đa (93%), Đan Phượng (82,5%), Bộ Tư lệnh Thủ đô (70,7%), Ban Văn hóa – xã hội (46%), Ban Nông nghiệp (47,3%), Ban Văn hóa (46,3%) kế hoạch giao đầu năm.
Còn lại các đơn vị đều có tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp dưới 40%: Ban Giao thông (39,5%), Ban Đường sắt (25%), Ban Công trình dân dụng (12,7%), Ban Cấp nước, thoát nước và môi trường (10,1%)… Có 7 quận, huyện, thị xã thực hiện các dự án nhiệm vụ chi Thành phố có tỉ lệ giải ngân đầu tư công dưới 10%: Nam Từ Liêm (0%), Ba Đình (0%), Hoàng Mai (0%), Ứng Hòa (0,4%); Sơn Tây (3,3%), Mỹ Đức (3,9%), Thạch Thất (4,7%)…
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, tiến độ triển khai, khối lượng thi công, nhập khẩu thiết bị không kịp theo tiến độ, giãn cách xã hội khiến các dự án đã được giao vốn chậm điều chỉnh kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mặc dù đã được Thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường… làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án.
Đặc biệt là có sự thiếu quyết liệt của một số chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng trong thời gian qua. Sự phối hợp thực hiện nhiêm vụ giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các quận, huyện, nhà thầu chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thi công, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đã giao…
Tận dụng từng giờ; mục tiêu … “trên 95%”
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội trong thời gian qua đạt mức thấp, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc trong thời gian còn lại của quý IV/2021. Cùng với quyết tâm, nỗ lực, cần phương pháp khẩn trương, quyết liệt để tháo gỡ cho từng dự án, từng khối lượng công việc.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh thẳng thắn nhìn nhận, trong quý III Thành phố tập trung phòng dịch bệnh, các công trình xây dựng đã phải đình, giãn, hoãn tiến độ. Vì vậy, sang quý IV, Thành phố nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu được giao.
“Áp lực và thách thức trước mắt lớn, thời gian còn lại ít nên phải tận dụng từng giờ, từng phút với quyết tâm và nỗ lực cao nhất để đạt tiến độ giải ngân đầu tư công”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh và yêu cầu: “Dứt điểm và không lùi bước, cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu để tỉ lệ giải ngân cuối năm 2021 đạt tối thiểu 95%”.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu con số giải ngân đầu tư công của 3 quý tuy thấp nhưng cũng nói lên sự nỗ lực của các địa phương, các sở, ngành. Thời gian tiếp theo, các đơn vị phải khẩn trương phối hợp để đạt tiến độ.
“Quyết tâm nhưng phải gắn trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ, ngoài trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương thì trước hết là trách nhiệm của từng chủ đầu tư.
Cụ thể, chủ đầu tư phải chi tiết hoá từng khó khăn vướng mắc, chi tiết từng giải pháp của các dự án từ nay đến cuối năm. Đồng thời các sở ngành tránh thủ tục hoá để phấn đấu đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.