Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các bộ ngành, địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Chủ trì Hội nghị là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%). Tỷ lệ giải ngân này được đánh giá là khá chậm.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định trên.
Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2021, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan tồn tại cố hữu từ lâu dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, gồm:
Công tác chuẩn bị dự án, giao kế hoạch ở một số địa phương còn thiếu chủ động; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…
Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động…
Một số vướng mắc liên quan đến các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019; các nghị định hướng dẫn về thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng; thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA, thủ tục về điều chỉnh dự án, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA…
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn dẫn đến ảnh hưởng tới các hoạt động tư vấn như khảo sát, thiết kế và cả thi công công trình.
Giá nguyên liệu đầu vào gia tăng cùng thiếu hụt nguyên liệu như đất đai. Chính điều này đã ảnh hưởng đến phương án tài chính và tìm kiếm nguồn cung, nguyên liệu thay thế khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân.
5 giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng tăng trưởng kinh tế, tập trung 05 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ ba, xây dựng, sửa đổi các quy định đang còn chồng chéo, cản trở đến hoạt động đầu tư công. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng..) trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP bảo đảm thống nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư công. Về sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP: Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định; các Bộ: Tư pháp, Tài chính khẩn trương có ý kiến về các nội dung liên quan đến ký kết điều ước và thỏa thuận quốc tế gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ…
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi. Bộ Tài chính ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương; kịp thời hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, cách triển khai đối với những vấn đề vướng mắc; phổ biến cách làm hay, kinh nghiệm tốt của các cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Cát Anh (Tổng hợp)