Chốt giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Chốt giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay

Nhiên liệu bay sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với mức quy định trước đó.

Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.500 đồng/lít

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay vào sáng 31/12. Theo đó, nhiên liệu bay chịu mức thuế bảo vệ môi trường là 1.500 đồng/lít, tính từ 1/1/2022 đến 31/12/2022. Mức thuế này đã giảm 50% so với mức quy định trước đó.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành hàng không chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách giãn cách xã hội khi phải hạn chế hoạt động. Có thời điểm, thậm chí ngành hàng không gần như đóng băng.

Qua đánh giá, từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021, chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính phủ vì thế trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế này đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2022 là giải pháp phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước để góp hỗ trợ, tháo gỡ và giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn, gián tiếp thúc đẩy một số ngành nghề khôi phục, phát triển như thương mại, du lịch, dịch vụ… góp phần phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19.

Sau khi thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng ý với quy định nhiên liệu bay phải nộp thuế bảo vệ môi trường là 1.500 đồng/lít. Theo đơn vị này, tác động giảm thu đối với ngân sách Nhà nước vào khoảng 1.580 tỷ đồng, không lớn.

Bà Nguyễn Vân Chi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2022 dự kiến các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ tiếp tục rơi cảnh sụt giảm doanh thu lớn, thua lỗ, mất cân đối thanh toán, đối mặt với nguy cơ phá sản cao. Trong khi đó, tác động tới giảm thu Ngân sách Nhà nước khi thực hiện chính sách điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như Tờ trình của Chính phủ là không lớn. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm mức thuế này đối với nhiên liệu bay vẫn là mức sàn trong khung mà thuế này được quy định”.

VCCI từng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, còn 1.500 đồng/lít.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những phản hồi về vấn đề này. Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít trong năm 2022.

VCCI cho rằng, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không. Đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được đánh giá là rất cần thiết để kịp thời hỗ trợ cho ngành hàng không phục hồi sau đại dịch.

Theo VCCI, 2 năm vừa qua, ngành hàng không bị tác động mạnh bởi dịch bênh COVID-19, năm sau còn nặng hơn năm trước. Năm 2021, doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng so với năm 2020. Chưa kể, các hãng hàng không thiết hụt nghiêm trọng dòng tiền hoạt động. Nợ ngắn hạn, nợ đến hạn phải trả của các hãng hàng không lên tới 50.000 tỷ đồng.

Thêm nữa, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến cho việc phục hồi nền kinh tế, đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định. Bởi thế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhưng phải ở mức cao mới có thể góp phần giúp doanh nghiệp, ngành hàng không có thể gắng gượng cũng như tạo đà hồi phục.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version