Gỡ khó ngành đường sắt

Gỡ khó ngành đường sắt

Văn bản 8080/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ vừa ban hành đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành để giải quyết khó khăn và vướng mắc của ngành đường sắt.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – nơi có đường sắt đi qua sẽ thực hiện bảo vệ hành lang an toàn giao thông theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiến hành nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ngoài ra, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải ngành này.

Về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại các văn bản nêu trên, hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng có một số kiến nghị khác. Về vấn đề này, văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương xem xét, xử lý. Trong trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16/01/2018 để bổ sung ngành, nghề kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong đó, giữ nguyên quy định tại Điều 61, Điều 62 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 11/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng xem xét, xử lý kiến nghị về việc phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội.

Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị về mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu; giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; cho phép các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng xem xét phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất của các doanh nghiệp vận tải ngành này.

Bộ Công Thương xem xét, xử lý kiến nghị về việc bổ sung các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về việc ưu đãi, hỗ trợ trong việc sử dụng đất dành cho đường sắt quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt, bổ sung quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý kiến nghị về việc giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xử lý kiến nghị về việc cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua thực hiện bảo vệ hành lang an toàn giao thông theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải ngành này theo đúng quy định.

Phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Ở một diễn biến khác, chiều 1/11 diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành giao thông phấn đấu mục tiêu đến năm 2028-2029 sẽ khởi công các gói thầu đầu tiên của 2 đoạn tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam là đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TP.HCM.

Tại hội nghị, theo chia sẻ của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thì đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch vận tải đồng thời thực hiện. Hiện tại, Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch ngành, gồm có Quy hoạch đường bộ, đường sắt và hàng hải.

Hình minh họa.

Bộ trưởng chia sẻ, quy hoạch ngành vận tải này hướng đến phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn nhằm phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài của phương thức vận tải này.

Quy hoạch đồng thời cũng tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Cát Anh

Exit mobile version