Trách nhiệm và việc “gỡ rối” câu chuyện lao động đổ về quê tránh dịch

Trách nhiệm và việc “gỡ rối” câu chuyện lao động đổ về quê tránh dịch

Nhiều vấn đề nóng người lao động, người sử dụng lao động quan tâm đã được giải đáp trong phiên chất vấn vào sáng 11/11 tại kỳ họp Quốc hội.

Lao động đổ về quê tránh dịch, Bộ LĐ-TB&XH nhận 1 phần trách nhiệm

Nói về trách nhiệm trong việc nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một phần trách nhiệm, không phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vấn đề này còn liên quan liên quan đến việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này. Thứ hai là giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Và một vấn đề quan trọng hơn nữa chính là rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, số lượng người lao động trở về quê trong đợt dịch thứ 4 tương đối lớn. Sau khi nghe và xem trực tiếp, tổng kết tất cả báo cáo của các địa phương cùng cũng như tiến hành rà soát, phân loại, con số chính thức lao động về quê khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP.HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.

Toàn cảnh phiên chất vấn Quốc hội sáng 11/11 (Ảnh: Chính Phủ).

Ở các tỉnh phía Nam, khảo sát cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương về quê có nhu cầu quay trở lại làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông muốn ở lại quê. Tuy nhiên, trong số người ở lại quê, chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã liên hệ, trao đổi với các địa phương, đưa ra 3 vấn đề lớn, gồm có:

Thứ nhất, các địa phương cùng với TP.HCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50 nghìn người so với thời điểm trước dịch.

Thứ ba, là tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.

Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Chính Phủ).

Rất cần mở cửa lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có 10 phút để giải trình trong phiên đăng đàn của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vào sáng 11/11. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đặt ra câu hỏi về việc làm sao để người lao động quay lại giải quyết câu chuyện phục hồi sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho công nhân cũng như gia đình họ.

Phó thủ tướng phân chia 1,3 triệu lao động vừa dịch chuyển theo từng nhóm, gồm có:

Người có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc ở các doanh nghiệp lớn, đặc biệt khu chế xuất, khu công nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đợt dịch vừa qua, số người này này ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một phần Long An vẫn được doanh nghiệp trả một phần lương nên tỷ lệ quay lại tương đối tốt. Riêng những người chưa muốn quay lại, phần nhiều bắt nguồn từ việc muốn chuyển dịch lao động.

Nhóm thứ 2 là những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, lao động thời vụ. Dịch đến, người thuê lao động không có cam kết dài hạn với nhóm này nên không biết khi nào mới quay lại.

Nhóm thứ 3 là lao động tự do ở miền Nam, đặc biệt ở TP.HCM rất lớn. Nhóm thứ 4 là những người đi theo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm đến chính sách giải quyết cho những nhóm lao động còn lại, ngoài nhóm lao động làm việc ổn định trong doanh nghiệp lớn.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, giải pháp đầu tiên là phải kiểm soát dịch tốt, vì tâm lý người lao động sợ nhất là quay lại làm rồi rơi vào vòng phong tỏa nếu dịch bùng phát.

Tiếp đó, rất cần phải mở cửa lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học. Phó Thủ tướng lý giải, phần đa công nhân có con nhỏ ở bậc học này. Đây không phải chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết cho lao động.

Còn ở phía người lao động, theo ông Đam, họ muốn khi quay trở lại được hỗ trợ về nhà trọ trong một thời gian, được trả 1 phần lương khi có dịch.

Giải pháp ở tầm Trung ương, Phó thủ tướng cho rằng cần rà soát tất cả quy định về phòng, chống dịch an toàn và không quá phức tạp. Việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 phát sinh trong doanh nghiệp phải linh hoạt.

Ông cũng cho rằng cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời nhưng thiết thực đối với doanh nghiệp như xem xét quy định tạm thời về số giờ làm việc.

Ngoài ra, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương trong việc chủ động kết nối giúp người lao động trở lại làm việc bằng cách đưa đón, chủ động tiêm vaccine, cung cấp thông tin chi tiết.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version