Vào ngày 18/4, các nhà phân tích tại Goldman Sachs nói với khách hàng rằng rủi ro ngắn hạn về việc suy thoái trong hai năm tới là rất cao và họ nên chuẩn bị cho khả năng này. Những tín hiệu “cứng rắn” gần đây từ Fed là yếu tố cốt lõi thúc đẩy cảnh báo này.
Nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình thế bấp bênh: nhu cầu cao, lạm phát leo thang và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong khi cố gắng tránh tỷ lệ thất nghiệp cao. Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết: “Theo đánh giá của ngân hàng, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới vào khoảng 15%, và 35% trong vòng 24 tháng tới”.
Vào tháng 3, Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh lạm phát phục hồi trong những tuần sau khi tăng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cam kết thực hiện các hành động tích cực hơn để kiềm chế lạm phát. Để đạt được điều đó, Fed đã đưa ra kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán của mình gần 8.000 tỷ USD.
Suy thoái được định nghĩa là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế tổng thể trong hai quý liên tiếp. Chúng thường đi kèm với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm hoạt động sản xuất. Trong trường hợp của nền kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhưng lạm phát tăng lên do sản xuất giảm.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga-Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 cũng có nguy cơ gây ra thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế số một thế giới.
Goldman Sachs không đơn độc. Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện từ ngày 4/4 đến ngày 8/4 cũng cho thấy cứ bốn nhà kinh tế thì có một nhà dự đoán Mỹ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong năm nay. Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây của Wall Street Journal cho thấy khoảng 28% các nhà kinh tế nói rằng họ kỳ vọng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2022.