Google tiết kiệm 1,4 tỷ đô la Mỹ nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mại

Google tăng trưởng mạnh nhờ đại dịch

Trong một báo cáo thường niên vào đầu năm nay, Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết rằng chi phí quảng cáo và khuyến mại năm 2020 đã giảm 1,4 tỷ đô la Mỹ. Lí do là công ty giảm chi tiêu, tạm dừng hoặc thay đổi một số sự kiện sang định dạng kỹ thuật số do đại dịch. Chi phí du lịch và giải trí cũng giảm 371 triệu USD.

Trong quý đầu tiên 2021, Alphabet đã tiết kiệm được 268 triệu đô la Mỹ từ chi phí các hoạt động quảng bá, du lịch và giải trí so với cùng kỳ năm trước, “chủ yếu là do Covid-19”. Trên cơ sở này hàng năm, con số đó sẽ lên tới  hơn 1 tỷ đô la Mỹ. 

Khoản tiết kiệm đã bù đắp được nhiều chi phí phải trả khi thuê thêm hàng nghìn công nhân. Bên cạnh đó, việc nhân viên làm việc  tại nhà do đại dịch đã cho phép công ty giữ ổn định chi phí tiếp thị và hành chính trong quý đầu tiên.

Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới Google, ngày 27/4 công bố lợi nhuận kỷ lục quý thứ hai liên tiếp và đưa ra kế hoạch 50 tỷ USD mua lại cổ phiếu.

Động lực để Alphabet đạt kết quả kinh doanh rực rỡ trong quý 1/2021 là mức độ sử dụng lớn của người dùng trên các dịch vụ quan trọng của công ty này như YouTube và tìm kiếm, cũng như doanh thu quảng cáo tăng mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Gã khổng lồ” công nghệ cảnh báo rằng những yếu tố này có thể suy yếu khi người dân tại nhiều khu vực trên thế giới nối lại các hoạt động bình thường một khi Covid lắng xuống.

Doanh thu quảng cáo quý đầu năm của Alphabet tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của giới phân tích và chiếm 81% tổng doanh thu. Doanh thu từ mảng đám mây Google Cloud tăng 45,7%, phù hợp dự báo.

Tổng doanh thu quý 1 đạt 55,3 tỷ USD, tăng 34%, vượt xa mức dự báo tăng 26% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Mức doanh thu này cũng gần ngang với doanh thu kỷ lục 56,9 tỷ USD mà Alphabet đạt được trong quý 4 năm ngoái.

Lợi nhuận quý 1 của Alphabet đạt 17,9 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục lợi nhuận 15,2 tỷ USD đạt được trong quý 4/2020. Nhờ doanh thu lớn, tỷ suất lợi nhuận thuần của Alphabet đạt mức 30% lần đầu tiên kể từ khi thành lập công ty mẹ vào năm 2015.

Google Cloud, mảng kinh doanh cạnh tranh mạnh mẽ với dịch vụ đám mây của Amazon và Micrsofot, lỗ 974 triệu USD. Tuy nhiên, khoản lỗ này đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước kế hoạch 50 tỷ USD mua lại cổ phiếu mà Alphabet vừa công bố, công ty này gần đây nhất chi 25 tỷ USD mua lại cổ phiếu vào năm 2019. Giới phân tích ước tính Alphabet hiện có trong tay khoảng 56 tỷ USD tiền mặt để phục vụ cho việc mua lại cổ phiếu.

Nhân viên làm việc tại nhà, Google không bị ảnh hưởng

Văn phòng Google được biết đến với các đặc quyền cung cấp nhiều loại hình dịch vụ từ ăn uống đến spa, giải trí, trải nghiệm…, là sự kết hợp giữa tính thân thiện với tự nhiên và tính hiện đại – để nhân viên cảm nhận được không khí làm việc thoải mái nhất. Những đặc quyền đó đã ảnh hưởng nhiều đến văn hóa làm việc của Thung lũng Silicon. Hầu hết nhân viên của Google đã làm việc từ xa mà không có những đặc quyền này kể từ tháng 3 năm ngoái.

Google đặt thời hạn mới cho nhân viên trở lại văn phòng là đến ngày 10/1/2022, lùi 3 tháng so với kế hoạch trước đây. Quyết định này cho thấy những lo ngại về sự lây lan phức tạp của biến thể Delta.

Ông Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google, đã gửi cho nhân viên về kế hoạch làm việc trong một email vào thứ Ba (31/8). Ông thông báo rằng sau ngày 10/1/2022, văn phòng ở các địa điểm khác nhau sẽ xác định thời điểm quay lại khác nhau dựa trên tình hình địa phương. Nhân viên sẽ được thông báo đầy đủ về quyết định trước 30 ngày.

Google đã nhiều lần trì hoãn ngày ​​nhân viên quay lại văn phòng làm việc. Lần trì hoãn gần nhất là vào tháng 7, Google đã lùi ngày trở lại sang tháng 10 và thông báo yêu cầu các nhân viên làm việc tại văn phòng của công ty phải được tiêm vắc-xin corona virus.

Theo thông báo mới nhất lần này, nếu nhân viên của Google trở lại văn phòng vào tháng 1 năm sau, thì sẽ là gần hai năm kể từ khi công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà từ những ngày đầu của đại dịch. 

Việc nhân viên của đang làm việc tại nhà đã mang lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh và giúp “ông lớn công nghệ” này tiết kiệm được hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Google không phải là công ty duy nhất ở Thung lũng Silicon thay đổi kế hoạch mở cửa trở lại vì biến thể Delta. Các hãng đang tiếp tục theo dõi tình hình và phối hợp với chuyên gia để đảm bảo kế hoạch làm việc được thực hiện với ưu tiên số một là sự an toàn của nhân viên.

Vào cuối tháng 7, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Apple trì hoãn việc mở cửa trở lại cho đến ít nhất là tháng 10, chậm hơn một tháng so với dự kiến. 

Ngày 12/8, mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook đã lùi kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc đến hết năm nay, và sẽ có thông báo đầy đủ trước về quyết định này.

Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon xác nhận cũng phải hoãn kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng đến tháng 1/2022 thay vì dự kiến là tháng 9 năm nay.

Thời gian làm việc tại nhà kéo dài đã buộc các công ty phải suy nghĩ lại về tương lai của văn phòng, và tìm ra đâu là giải pháp tốt nhất để cân bằng giữa công việc từ xa với sự hợp tác trực tiếp. 

Exit mobile version