Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, WinCommerce (đơn vị thành viên Tập đoàn Masan – MSN , sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+) nhập rau chợ đầu mối được phù phép thành rau sạch Đà Lạt, chuẩn VietGAP từ nhà cung cấp Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi. Hay, có hiện tượng nấm Trung Quốc gắn mác hàng VietGap vào Bách Hóa Xanh (thuộc Đầu tư Thế Giới Di Động – MWG ).
WinMart+/WinMart và Bách Hóa Xanh là 2 chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng tiêu dùng lớn nhất, tiếp sau đó là Co.opfood, Satra food…
Hệ thống bán lẻ nhất WinMart+/WinMart cho biết luôn duy trì tỷ trọng hàng Việt đạt trên 90% số lượng, chủng loại hàng hóa, trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Riêng nhóm ngành thực phẩm tươi sống kinh doanh trong ngày đạt tỷ lệ 100% là hàng Việt Nam, hàng hóa được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với định hướng cạnh tranh chợ truyền thống, Bách Hóa Xanh duy trì lượng hàng tươi sống đáp ứng nhu cầu hằng ngày lớn cho người tiêu dùng. Hàng tươi sống trong cửa hàng được nhập ở các tỉnh, thành trong nước. Về chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG từng cam kết không 1 kg rau nào để qua đêm và cố gắng đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các mặt hàng tươi sống kinh doanh trong hệ thống.
WinMart và WinMart+ có nguồn cung hàng thực phẩm tươi sống nội tại thông qua WinEco (tên trước đây là VinEco) – công ty con Tập đoàn Masan, sở hữu hệ thống 14 nông trường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
MWG cũng có đơn vị cung cấp rau sạch là 4K Farm (tiền thân là Vifarm), quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng. 4K Farm cam kết cung cấp rau sạch với 4 không gồm không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen.
WinMart+/WinMart đang trong quá trình tăng tốc
WinMart+/WinMart được Vingroup ( HoSE: VIC ) phát triển nhưng đến cuối năm 2019 đã chuyển nhượng cho Masan Group. Sau khi tiếp quản, Masan Group đã nhận thấy nhiều vấn đề và tiến hành tái cấu trúc.
Cụ thể, Masan Group chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng với mục tiêu đưa WinCommerce (WCM) đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hòa vốn trong một năm. Trong năm 2020, tập đoàn đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, chuỗi bán lẻ đã đạt EBITDA hòa vốn vào quý IV/2020. Đến năm 2021, bất chấp đại dịch, tập đoàn trở lại với công cuộc mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần bằng cách mở thêm 390 cửa hàng WinMart+. Tốc độ bành trướng càng mạnh hơn trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động giao thương trở lại bình thường.
Chỉ trong nửa đầu năm, WinCommerce đã khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán.
Tập đoàn đặt mục tiêu khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền. WCM cũng sẽ tiếp tục tối ưu hóa các loại sản phẩm, chương trình khuyến mãi và chi phí vận hành để đảm bảo lợi nhuận. Các cửa hàng đa tiện ích trong chiến lược Point of Life dự kiến ra mắt vào quý III, đây là các cửa hàng mới tích hợp đa dạng sản phẩm và dịch vụ của Masan Group để tạo nền tảng cho đà tăng trưởng tương lai.
Nhìn lại kết quả kinh doanh trong 2 năm về tay Masan Group, doanh thu duy trì trên 30.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế giảm mạnh từ 3.222 tỷ đồng về 148 tỷ đồng.
Năm nay, chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng kỳ vọng doanh thu thuần đạt từ 38.000 – 40.000 tỷ đồng, tăng 23-29% so với năm trước nhờ vào tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện có và mở thêm điểm bán mới.
6 tháng, doanh thu WCM đạt 14.305 tỷ đồng, giảm 1,1% và EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, WinMart+ đạt doanh thu 9.528 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ năm trước; WinMart đạt 4.708 tỷ đồng, giảm 3,4%.
Bách Hóa Xanh vừa hoàn tất tái cấu trúc, kỳ vọng có lãi từ quý IV
Trong khi WinMart/WinMart+ tăng tốc thì Bách Hóa Xanh (BHX) chọn chững lại để tái cấu trúc, xây dựng nền tảng cho kế hoạch bành trướng ra toàn quốc từ 2023.
Trong năm 2021, hưởng lợi từ dịch bệnh, BHX đã tăng tốc đang kể nhưng cũng từ đó lộ nhiều điểm bất cập. Do vậy, ngay từ đầu năm nay, ông Tài xác định chuỗi cần ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng và tối ưu hóa nền tảng quản trị back-end bằng hệ thống tự động.
Tính đến cuối tháng 8, chuỗi cửa hàng thực phẩm hàng tiêu dùng này đã thay đổi layout mới cho toàn bộ cửa hàng, đóng 400 điểm bán so với đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, chuỗi ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ 10.773 tỷ đồng năm 2019 lên 28.216 tỷ đồng năm 2021. Lỗ sau thuế năm 2021 ở mức 1.188 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số 1.926 tỷ năm 2020. Lỗ lũy kế sau 6 năm hoạt động ở mức 4.950 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng.
Theo số liệu mới nhất, 7 tháng năm nay, doanh thu đạt 15.110 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7, doanh thu giảm 45% từ mức đỉnh hơn 4.200 tỷ đồng vào tháng 7 năm trước. Nguyên nhân được cho là do người lao động mất việc làm, có xu hướng trở về quê, và tiêu thụ rau tự trồng hoặc từ chợ truyền thống với giá thấp.
Với các giải pháp tái cấu trúc, thay layout cửa hàng, doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng 7 và tiếp tục xu hướng tăng. Trong khi đó, doanh thu bình quân cửa hàng mỗi tháng trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 1 tỷ đồng, so với mức 1,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. BHX kỳ vọng sẽ vượt ngưỡng doanh thu 1,5 tỷ đồng/cửa hàng trong quý IV năm nay.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 19/8, Chủ tịch MWG chia sẻ BHX cơ bản đã hoàn thành tái cấu trúc, các tháng tiếp theo sẽ bước vào giai đoạn tối ưu hóa. Đồng thời, sau đợt tái cấu trúc, trải nghiệm tại BHX đã có sự cải thiện rõ rệt, doanh thu và traffic tăng mạnh. Từ nay đến cuối năm BHX sẽ nghiên cứu và mở vài cửa hàng để đánh giá, thử nghiệm mô hình mới.
Ông Tài cũng kỳ vọng khi doanh thu tăng mạnh mà chi phí được kiểm soát, BHX có thể có lời ngay trong quý IV. Qua 2023, chuỗi sẽ thực sự trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn và không cần nhận sự chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi TGDĐ/ĐMX.