Châu Á cũng lên tiếng? Hàn Quốc, Singapore công bố lệnh trừng phạt đối với Nga

Cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng châu Âu không tạo ra làn sóng phản đối lên án mạnh mẽ ở châu Á như châu Âu, tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Singapore, Hàn Quốc đồng loạt tung lệnh trừng phạt Nga.

Hàn Quốc và Singapore đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. So với phương Tây, các quốc gia khu vực châu Á không thể hiện quá nhiều quan điểm trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Lệnh trừng phạt từ châu Á

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính quyền Seoul quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai (28/2) cho biết họ đã quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga bằng cách cấm xuất khẩu các mặt hàng chiến lược và tham gia cùng các nước phương Tây nhằm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các mặt hàng thuộc nhóm hạn chế xuất khẩu sang Nga sẽ bao gồm thiết bị điện tử, chất bán dẫn, máy tính, thiết bị thông tin và liên lạc, cảm biến và laser, thiết bị điều hướng và điện tử hàng không, thiết bị hàng hải và không gian.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ thúc đẩy giải phóng dầu thô từ các nguồn dự trữ chiến lược để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và xem xét các biện pháp khác, bao gồm cả việc bán lại LNG cho châu Âu.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan

Trong khi đó, phát biểu tại Quốc hội Singapore hôm 28/2, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cho biết chính phủ nước này sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp” đối với Nga.

Singapore, trung tâm tài chính châu Á và trung tâm vận chuyển quốc tế quan trọng, luôn tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng hiếm khi ban hành các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với các quốc gia khác.

“Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng trực tiếp làm vũ khí ở Ukraine. Chúng tôi cũng sẽ chặn một số giao dịch ngân hàng và giao dịch tài chính có liên quan đến Nga.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hoạt động thương mại của đất nước tỷ dân với Nga và Ukraine vẫn sẽ “bình thường” và từ chối gọi việc động binh của ông Putin là một “cuộc xâm lược”. 

Các quốc gia bao gồm Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines vàThái Lan đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Exit mobile version