Việt Nam hiện có hơn 100 công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, cho vay ngang hàng với nhiều công ty vốn 100% của nước ngoài nhưng lại thiếu hành lang pháp lý…
Ngày 10-11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng là trung gian thanh toán và Fintech 9 tháng năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết thống kê hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp là công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending)…
Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của VNBA. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các công ty này chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.
Hiện có hơn 100 công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng ở Việt Nam.
“Trong những fintech, có nhiều đơn vị vốn ngoại chiếm 60-70% và có cả những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và tạo áp lực cạnh tranh đối với đơn vị trung gian thanh toán trong nước. Họ sẵn sàng mua cổ phần của fintech trong nước, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát lĩnh vực này” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox). Đây là một trong những cơ chế rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo các công ty trung gian thanh toán, một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tế, vì cơ chế thí điểm sandbox rất mới, phức tạp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech (đơn vị sở hữu ví điện tử Ngân lượng, Vimo), nhận định công tác xây dựng hành lang pháp lý cho sandbox đến giờ chưa thấy cập nhật hay bước tiến mới. Cần hành lang pháp lý cho lĩnh vực mới như cho vay ngang hàng để doanh nghiệp có cơ sở hoạt động và phân khúc này cũng có thể thu hút được sự sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp hay thu hút đầu tư của các quỹ trong và ngoài nước.
“Nếu thiếu sự đầu tư này, chúng ta đang chậm chân hơn so với khu vực, đặc biệt thiếu hành lang pháp lý khiến các doanh nghiệp đối diện với rủi ro nợ xấu tăng cao khi cho vay ngang hàng…” – ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Cùng quan điểm này, đại diện nhiều đơn vị trung gian thanh toán đề xuất để VNBA kiến nghị cơ quan quản lý sớm có hành lang pháp lý cho sandbox, cho vay ngang hàng, sớm ban hành nghị định bổ sung Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết khuôn khổ pháp lý liên quan đến trung tâm thanh toán, fintech và đặc biệt định danh khách hàng điện tử (eKYC) cần được quan tâm, theo sát. Ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định làm rõ về những vấn đề pháp lý, chính sách, cơ sở hạ tầng liên quan đến trung gian thanh toán và fintech.
“Như hoạt động eKYC, để giúp cho các trung gian thanh toán như ví điện tử kết nối vào hệ thống ngân hàng đơn giản, thuận lợi thông qua Napas, tránh việc một ví điện tử phải tự đi kết nối với tất cả ngân hàng sẽ tốn kém thời gian, nguồn lực” – ông Nguyễn Đăng Hùng nói.
Sớm ban hành nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt
Để thúc đẩy hoạt động của các đơn vị trung gian thanh toán trong thời gian tới, VNBA kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.
Đề nghị nhà nước sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt đạt hiệu quả.