Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund tệ nhất trong một thập kỷ rót vốn vào Việt Nam

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund tệ nhất trong một thập kỷ rót vốn vào Việt Nam - Ảnh 1.

Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 12/2022 với hiệu suất đầu tư đạt 1,14%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp quỹ ghi nhận phục hồi sau hai tháng 9 và 10 đầy giông bão với hiệu suất đều âm trên 10%.

Tính chung sau 12 tháng của năm 2022, hiệu suất hoạt động của Pyn Elite Fund âm 28,28%, đánh dấu năm đầu tư “tệ” nhất của quỹ này kể từ khi đặt chân tới Việt Nam vào 2013. Dù vậy, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan “khá khẩm” hơn đôi chút so với mức giảm của VN-Index (-3,9% trong tháng 12 và -32,78% trong năm 2022).

Pyn Elite Fund có năm đầu tư kém sắc nhất từ khi vào Việt Nam

Thời điểm 30/12/ 2022, giá trị tài sản ròng (NAV) của PYN Elite đạt 395,3 Euro. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) của quỹ tại cùng thời điểm lên đến hơn 682 triệu Euro (~16.900 tỷ đồng).

Hiện tại, top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm 87,1% NAV của quỹ, trong đó có đến 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chứng chỉ quỹ ETF này lọt vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite.

Hầu hết các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ có hiệu suất khả quan trong đó 3 cái tên STB, SCS và VEA có diễn biến ấn tượng nhất khi lần lượt tăng 12,5%, 9,4% và 3,6% trong tháng qua. Đặc biệt cổ phiếu Sacombank (STB) đã bứt phá lên vị trí thứ 3 trong danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund, từ vị trí thứ 7 trong tháng 11 trước đó.

Trong khi đó, cổ phiếu ACV theo sau khi xếp thứ 4 trong danh mục với tỷ lệ 9,1%, cải thiện so với mức tỷ trọng 8,9% của tháng trước. Theo đánh giá của Pyn Elite Fund, ACV hiện là nhà khai thác cảng hàng không lớn nhất Việt Nam. Công ty đã có sự trở lại đáng chú ý giai đoạn sau dịch Covid-19, minh chứ là việc phục vụ hơn 99 triệu hành khách vào năm 2022. Doanh thu ước tính năm 2022 sẽ tăng trưởng gần gấp ba so với năm 2021.

Với quan điểm thị trường nội địa hiện đã phục hồi hoàn toàn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy lượng khách quốc tế, ACV ước tính một cách thận trọng rằng ACV có thể phục vụ 116 triệu hành khách vào năm 2023. Ngoài ra, hiện ACV đang xây dựng sân bay mới Long Thành, cách TP.HCM 40 km, đồng thời mở rộng nhiều sân bay hiện có, từ đây để bổ sung thêm khoảng 50 triệu hành khách mỗi năm so với công suất hiện tại.

Xoay sở để cải thiện hiệu suất

Trở lại với thị trường chứng khoán, Pyn Elite Fund đánh giá chỉ số chính VN-Index đã có một năm đầy biến động khi có thời điểm đã bỏ xa ngưỡng 1.500 điểm tuy nhiên sau đó đã quay đầu lao xuống dưới 900 điểm trước khi hồi phục và kết thúc năm trên ngưỡng 1.007 điểm.

Đặc biệt, nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng nằm trong top giảm điểm mạnh nhất, cũng là tác nhân chính khiến VN-Index mất gần 33% trong cả năm. Dù vậy, PYN Elite Fund đã xoay sở để có hiệu suất cải thiện hơn so với chỉ số VN-Index, cũng cần lưu ý thêm rằng đồng Việt Nam mất giá 3,5% so với USD trong năm 2022.

Về vĩ mô, GDP Việt Nam tăng trưởng hơn 8%, nhanh nhất kể từ năm 1997. Trong đó lĩnh vực dịch vụ là động lực chính với mức tăng 10% so với cùng kỳ, tiếp theo là sản xuất và xây dựng (+7,8%). Tốc độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu so với năm trước: Linh kiện điện thoại +15,1%, Ô tô +14,9%, Da giày +8,8%.

Vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD (+13,5% so với cùng kỳ). Lego, Foxconn, Samsung đều đã có kế hoạch mở rộng hoặc mở doanh nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù hoạt động xuất khẩu chậm lại vào cuối năm 2022 nhưng xuất siêu vẫn ở mức 11,2 tỷ USD. Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất.

Exit mobile version