“Quả bom” Silvergate Bank: Câu chuyện về “hiệu ứng cánh bướm” thị trường tiền điện tử

“Hiệu ứng cánh bướm” FTX và điểm nóng Silvergate Bank

Liệu Silvergate Bank có kéo dài thêm chuỗi khủng hoảng thị trường tiền điện tử trong năm 2022 hay không khi mà niềm tin mới nhen nhóm trong năm 2023 chưa được vẹn tròn?

Ngân hàng tiền điện tử lớn nhất thế giới Silvergate Bank bị các đối tác lớn quay lưng khiến thị trường đặt dấu hỏi lớn liệu đây có phải cái tên tiếp theo có mặt trong chuỗi khủng hoảng FTX hay không?

“Hiệu ứng cánh bướm” FTX

Nghe có vẻ khó tin nhưng khởi nguyên của thị trường tiền điện tử trị giá hàng nghìn tỷ USD lại bắt nguồn từ một game World of Warcraft và Second Life. Cũng không ai có thể lường được “đứa trẻ” 15 tuổi Bitcoin lại có thể trở thành một tài sản được người ta nắm giữ mỗi khi thị trường kinh tế toàn cầu đối mặt với sự suy thoái và khủng hoảng.

Đến khi Ethereum xuất hiện cùng với tiềm năng chứa dữ liệu là một sự đổi mới tạo cơ hội cho thị trường tài chính DeFi, chúng ta mới nhận thấy tiền điện tử có thể đại diện cho lĩnh vực tài chính số hóa trong tương lai.

Chỉ một thay đổi nhỏ trên thị trường tài chính có thể gây ra những hậu quả lớn, khó lường và sâu rộng. Ấy vậy mà trong gần 20 năm qua, những “con sâu” độc hại như OneCoin, MT.Gox, Terra, FTX…đã làm những gì để khiến tiền điện tử trở nên xấu xí trong con mắt truyền thống vốn khắt khe.

Tháng 5/2022, đế chế lừng danh của Sam Bankman Fried – FTX sụp đổ hoàn toàn chỉ vì “những chuyến đi đêm” của bộ sậu SBF.

FTX và Alameda Research đã tạo thành một “liên minh huyền thoại” hùng mạnh, âm thầm giao dịch hàng tỷ USD trong bóng tối, FTX ngang nhiên lấy tiền gửi của khách hàng để cho Alameda Research vay bù vào những khoản lỗ đầu tư vô tội vạ, chi tiêu hoang phí.

Hàng chục tỷ USD bốc hơi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, bộ Tư pháp Mỹ, cựu tỷ phú SBF đối mặt với hàng loạt tội tày đình: Gian lận ngân hàng, âm mưu gian lận ngân hàng, gian lận chứng khoán, âm mưu gian lận chứng khoán, lừa đảo nhà đầu tư, rửa tiền và vi phạm tài chính chiến dịch bầu cử của Mỹ.

Điều đáng sợ hơn cả, sự kiện FTX không còn là một “hiệu ứng nhỏ” nữa, nó đã khiến hàng loạt tổ chức – công ty tiền điện tử liên quan chịu liên đới. BlockFi, Celsius, Three Arrows Capital, Voyager, Solana Labs, Genesis, Salt, Mercurial Finance, Amber Group, BlackRock, Vauld, Crypto.com, Kraken, Huobi,….và mới đây là ngân hàng Silvergate.

Khi nào “quả bom” Silvergate Bank nổ?

Silvergate là ngân hàng nổi tiếng trong thị trường tiền điện tử vì cung cấp giải pháp ngân hàng cho các công ty tiền điện tử thông qua SEN. Silvergate được FDIC bảo hiểm, vì thế trong trường hợp Silvergate phá sản, các khách hàng sẽ không chịu thiệt hại.

Trong giai đoạn hoàng kim, Silvergate là đối tác của nhiều ông lớn có máu mặt trong ngành như: Coinbase, Paxos, Circle, Kraken, Bitstamp. Và FTX chính là khách hàng lớn nhất của ngân hàng Silvergate.

FTX bị phá sản, ngân hàng này đối mặt với khoản nợ kếch sù, quý IV ghi nhận khoản lỗ ròng 1 tỷ USD, khách hàng rút ròng 8 tỷ USD, nhân sự giảm 40%, tỷ lệ vốn bị lỗ trong danh mục đầu tư chứng khoán lên tới 5,7 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Giá cổ phiếu SI đã giảm mạnh hơn 80% sau vụ bê bối FTX và giảm gần 95% so với mức giá ATH (mức giá cao nhất từ trước đến nay). Thậm chí giảm tiếp tục hơn 40% ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 1/3/2023.

Cập nhật thông tin ngày 3/3/2023.

Silvergate Bank đã chậm trễ trong việc nộp báo cáo 10-K hàng năm – một tài liệu quan trọng theo yêu cầu của SEC nhằm chứng minh tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định hay gặp vấn đề.

Nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính là do ngân hàng bị suy thế vị thế vốn. Đại diện ngân hàng cho biết họ sẽ cần thêm hai tuần nữa để hoàn thành báo cáo cho năm tài chính 2022.

Ngày 3/3/2023, cổ phiếu của Silvergate tiếp tục lao dốc, giao dịch ở mức giá chưa đến 6 USD. Silvergate Capital cũng bị JP Morgan hạ cấp độ tín dụng vì những lo ngại về khả năng mất thanh khoản.

Tệp đối tác đột ngột quay lưng, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã thông báo rằng họ đã chấm dứt quan hệ đối tác với ngân hàng Silvergate. Circle, Paxos, Bitstamp, Crypto.com, Gemini và Galaxy Digital đồng loạt ngừng giao dịch nạp-rút tiền và lên tiếng trấn an khách hàng khi làm rõ mối quan hệ với Silvergate.

Sàn giao dịch chứng khoán và quyền chọn nổi tiếng của Mỹ là Cboe cũng thông báo ngừng chấp nhận giao dịch từ Silvergate. Đó là minh chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc không chỉ còn ở lãnh địa tiền điện tử.  

Tài chính bất ổn, ngân hàng này tiếp tục vướng vào lùm xùm pháp lý.

Silvergate Bank trở thành điểm nóng trong vài ngày qua hiện đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý khi Bộ Tư pháp Mỹ chính thức vào cuộc điều tra. Cuộc điều tra xoay quanh tài khoản của cựu Giám đốc điều hành FTX Sam Bankman Fried liên kết với ngân hàng.

Trong một vụ kiện khác, ngân hàng Silvergate và Giám đốc điều hành Alan Lane bị cáo buộc tiếp tay cho SBF và Alameda Research thực hiện hành vi lừa đảo hàng tỷ USD.

Nếu Silvergate rơi vào tình huống xấu nhất sẽ trở thành quả bom thổi bay mọi thành tựu của thị trường tiền điện tử, chúng ta sẽ phải chứng kiến một mùa đông mới “lạnh giá” hơn rất nhiều.

Trader_Z

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác

Exit mobile version