Gói hỗ trợ của Chính phủ là 26.000 tỷ, cộng thêm gói trợ cấp từ quỹ BHTN khoảng 38.000 tỷ . Tuy nhiên theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Cần gói hỗ trợ khoảng 77.000 tỷ đồng
Ông Terence Jones, quyền Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, nêu ý kiến Chính phủ có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP một quý, tương đương khoảng 77.000 tỷ đồng. Số tiền này nên được giải ngân ngay trong những tháng cuối năm.
“Gói này vừa trợ giúp các các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cho rằng cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt”, ông nhấn mạnh đến 2 đích của việc hỗ trợ tiền mặt.
Đòng thời, số tiền này sẽ tạo ra “hiệu ứng cấp số nhân” tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn. Gói trợ cấp 77.000 tỷ đồng sẽ có tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.
Cũng theo chuyên gia của UNDP, cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em. Theo đó, mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi sẽ được hỗ trợ ngay.
Đồng thời, gói này có thể trợ cấp phụ nữ mang thai, người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu. Ngoài ra còn có thể trợ giúp người khuyết tật.
Đồng tình, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ hỗ trợ người dân thấp hàng đầu châu Á. Tỷ lệ chi cho Việt Nam chỉ vào khoảng 0,85% GDP, là thấp hơn rất nhiều quốc gia khác, thường là trên 2%. Ông cho rằng cần phải tăng tỷ lệ chi cho trợ cấp người dân.
Các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP, gồm chính sách tài khóa vào khoảng 10% GDP, gói chính sách tiền tệ vào khoảng 6% để trợ cấp người dân và doanh nghiệp. Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP. Trong khi thực chi của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2% GDP, trong khi năm 2021 thậm chí còn dưới 1% GDP.
Hỗ trợ thấp hơn mức lương tối thiểu
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung. Các tỉnh/thành phố đã triển khai Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nội dung gói 26.000 tỷ đồng, hướng đến như: Phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh (như giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…).
Tính cho tới ngày 20/9/2021, có khoảng 50 chính sách khác nhau được ban hành để cụ thể hóa việc thực hiện gói hỗ trợ này.
Các chính sách hỗ trợ của gói hỗ trợ này được cho là đa dạng, thiết thực và cụ thể hơn so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của năm 2020, cụ thể: Nghị quyết 68 có thêm 5 chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19, hướng đến phục hồi sau đại dịch; có các chính sách ưu tiên hỗ trợ bổ sung cho người lao động mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và trẻ em và hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng F0 và F1 và các chính sách hỗ trợ đã bao phủ gần như toàn bộ lao động khu vực chính thức.
Vấn đề các chuyên gia nêu băn khoăn là về việc thực thi chính sách. Việc chi trả tiền hỗ trợ gặp khó khăn do rất nhiều người lao động phải tuân thủ giãn cách phòng chống dịch, không kịp chuẩn bị giấy tờ cần thiết nên chưa tiếp cận được hoặc mất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ.
Mặc dù công tác tổ chức thực hiện đã áp dụng công nghệ thông tin để thống kê số lượng đối tượng, kinh phí phê duyệt, kinh phí chi trả nhưng trên thực tế thì không ít địa phương vẫn lập danh sách đối tượng thụ hưởng một cách thủ công qua hệ thống nhân lực từ cấp tổ dân phố, cấp phường, quận tổng hợp nên việc bỏ sót đối tượng hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối tượng lao động di cư, làm tự do.
Mức hưởng hỗ trợ vẫn còn thấp, phổ biến ở mức 3,71 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/hộ hoặc 1,5 triệu đồng/người/tháng (với lao động không có giao kết hợp đồng lao động)… thấp hơn mức lương tối thiểu, chỉ đủ cho cuộc sống ngắn hạn, trước mắt.