Hòa Phát lập công ty điện máy, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng

HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) vừa thông qua nghị quyết về việc thành lập CTCP Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, Hòa Phát sẽ góp vốn 999 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 99,9%.

Công ty con này sẽ hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng. Trụ sở công ty sẽ đặt tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

HĐQT HPG ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Phó Tổng Giám đốc HPG làm đại diện phần vốn góp tại Điện máy Gia dụng Hòa Phát.

Trong cơ cấu sản phẩm kinh doanh nhiều năm qua, bên cạnh mặt hàng chính là thép, đơn vị này cũng có nhiều sản phẩm gia dụng như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh,…

Trước khi thông qua chủ trương thành lập công ty con về điện máy – gia dụng, tính tại thời điểm 30/06/2021, Hòa Phát đã tái cơ cấu mô hình tổ chức và thành lập 4 tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động chính gồm: CTCP Gang Thép, CTCP Ống thép và Tôn mạ màu , CTCP Phát triển Nông nghiệp và CTCP Phát triển Bất động sản. Tất cả đều mang tên Hòa Phát.

Về hoạt động kinh doanh chính là thép, trong bối cảnh tiêu thụ thép xây dựng xuống thấp nhất 5 năm, HPG vẫn ghi nhận sản lượng bán hàng trong tháng 8/2021 đạt 690.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 15% so với tháng trước. Cụ thể, tiêu thu thép xây dựng giảm 17% xuống 268.000 tấn, tuy nhiên được bù đắp bởi sản lượng HRC đạt 273.591 tấn, mức cao nhất kể từ khi Hòa Phát cung ứng HRC ra thị trường. 

Lũy kế 8 tháng, thị phần thép xây dựng HPG đạt 37%, cao hơn 9% so với thời điểm đầu năm.

Trên thị trường, cổ phiếu HPG chốt phiên 22/9 đạt 50.900 đồng/cổ phiếu, so với đầu năm 2021 đã tăng 67% về giá trị.

Trước đó, báo cáo của tập đoàn này cho biết công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,6% cổ phần tại Công ty Nội thất Hòa Phát cho Công ty CP Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ của Công ty Nội thất Hòa Phát là 398,4 tỷ. Như vậy, “vua thép” đã ghi nhận khoảng 498 tỷ đồng tiền lãi từ thương vụ này.

Tính đến cuối tháng 6, tập đoàn này có 4 công ty con cấp 1 bao gồm Công ty CP Gang thép Hòa Phát; Công ty CP Sản thẩm thép Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát; Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát.

Trong đó, mỗi công ty con này đang quản lý và vận hành một mảng kinh doanh của tập đoàn.

Ngoài ra, cũng trong thời gian qua, HPG đã tham gia thị trường sản xuất container với Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty con này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất container của HPG sẽ có công suất 500.000 TEU/năm, trong đó, công suất giai đoạn 1 khoảng 180.000-200.000 TEU/năm, dự kiến ra sản phẩm vào đầu quý II/2022.

Về kết quả kinh doanh của tập đoàn, theo báo cáo tài chính bán niên 2021, HPG ghi nhận gần 66.900 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm nay, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất 2 quý đầu năm của tập đoàn đạt 16.751 tỷ đồng, tăng 156%.

Theo kế hoạch năm nay, HPG dự kiến doanh thu cả năm đạt khoảng 120.000 tỷ và lợi nhuận 18.000 tỷ đồng, đều tăng hơn 30% so với năm liền trước.

Exit mobile version