Hơn 250 cổ phiếu tăng trần, đâu là “công thần” giúp VN-Index bứt phá mạnh nhất kể từ đầu tháng 11?

Hơn 250 cổ phiếu tăng trần, đâu là công thần giúp VN-Index bứt phá mạnh nhất kể từ đầu tháng 11? - Ảnh 1.

Sự hân hoan ghi nhận rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 28/11. Thị trường mở cửa phiên giao dịch với sắc xanh lan tỏa tại nhiều nhóm ngành và giữ vững phong độ đến cuối phiên. Chỉ số VN-Index ngày càng nới rộng đà tăng và đóng cửa tại vùng cao nhất khi tăng 34,23 điểm (3,52%) lên mức 1.005,69 điểm. Độ rộng thị trường cũng nghiêng về bên mua với 836 mã tăng điểm (trong đó 256 mã tăng kịch trần) trên cả ba sàn, áp đảo so với 156 mã giảm điểm.

Xét về mức độ đóng góp, rổ VN30 hôm nay kết phiên với 23 cổ phiếu đồng thuận tăng giá, thậm chí có tới 7 mã tăng kịch trần gồm GAS, TCB, HPG, KDH, VRE, VHM, SSI. Chiều ngược lại, chỉ PDR nằm sàn; SAB, BID, VNM, BVH giảm trong khi VIC và NVL đứng tham chiếu. Đáng chú ý, việc NVL đứng tham chiếu đã giúp mã này dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp, khối lượng khớp lệnh cũng hơn 104 triệu đơn vị, cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết.

Trở lại với thị trường chung, đà bứt phá ghi nhận tại hầu hết các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, phân bón, từ đó trở thành đầu tàu dẫn dắt, đưa chỉ số dễ dàng giành lại ngưỡng điểm quan trọng 1.000.

Cụ thể, nhìn vào riêng từng cổ phiếu, cổ phiếu ngân hàng VCB tăng tốt 4,9% lên mức 76.700 đồng/cổ phiếu, qua đó lập tức trở thành “công thần” lớn nhất trong phiên hôm nay với mức đóng góp hơn 4 điểm tăng cho VN-Index. Một số mã ngân hàng khác là CTG, TCB, MBB, VPB VÀ ACB cũng bứt phá, qua đó đóng góp lần lượt 1,8 điểm, 1,4 điểm, 1,1 điểm, 1 điểm và 0,6 điểm tăng cho thị trường.

Ngoài ra, hai bluechips GAS và VHM tăng kịch biên độ đã tổng cộng đóng góp gần 7 điểm tăng cho chỉ số chính của thị trường.

Những ông lớn khác như HPG, MSN, VRE cũng có phiên tăng điểm tích cực, càng đưa VN-Index bứt phá lên, mức độ đóng góp đều trên 1 điểm tăng cho thị trường.

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu phần nào kìm hãm đà tăng của VN-Index gồm BID, SAB, VNM hay PDR, tuy nhiên mức tác động không lớn.

Theo ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT, nếu vượt qua được kháng cự 985-1.000 điểm, chỉ số chính của TTCK Việt Nam sẽ hướng tới vùng kháng cự tiếp theo là 1.050-1.060 điểm. Ông Hinh bảo lưu quan điểm thời điểm này rất phù hợp để xây dựng danh mục dài hạn, lựa chọn được nhiều doanh nghiệp tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định với mức chiết khấu rất sâu. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ngân hàng, chứng khoán, điện và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công là những lựa chọn tốt ở thời điểm hiện tại. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.

Có quan điểm thận trọng hơn, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng với đà phục hồi trong phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index có nhịp hồi phục từ đầu tuần, sau đó dao động dưới biên độ kháng cự 980-1.000 điểm. Song, xét về dài hạn, sau những đợt điều chỉnh mạnh trong 2022, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã rơi vào mức thấp khi cả 2 chỉ số định giá P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình 10 năm, từ đây vị chuyên gia đến từ DSC đánh giá cao cơ hội mua gom cổ phiếu ở vùng chỉ số dưới 1.000 điểm cho tầm nhìn trung hạn.

Exit mobile version