HoSE trả lời về khả năng đình chỉ giao dịch FLC

HoSE trả lời về khả năng đình chỉ giao dịch FLC

Văn bản HoSE nêu rõ, ngày 16/8, Sở đã có công văn thông báo với FLC về khả năng cổ phiếu FLC bị đình giao dịch nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và đề nghị công ty có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cũng như việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022.

Đến ngày 18/8, HoSE đã nhận được công văn giải trình về lộ trình trình khắc phục các vi phạm của FLC. Theo đó, công ty dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào tháng 11/2022 để thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán và soát xét các BCTC năm 2022.

Như vậy, FLC có khả năng không công bố thông tin (CBTT) BCTC soát xét bán niên năm 2022 đúng hạn (hạn công bố thông tin là ngày 29/8/2022). Việc chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2022 là hành vi tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên HoSE, cổ phiếu FLC sẽ vào diện đình chỉ giao dịch nếu Tập đoàn FLC tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2022 hoặc các quy định về công bố thông tin khác.

Trong trường hợp, FLC kịp khắc phục, thì căn cứ quá trình khắc phục của công ty, HoSE sẽ xem xét đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết: “Sở giao dịch chứng (SGDCK) khoán sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch, sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của tổ chức niêm yết.

Đối với trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này, tổ chức niêm yết được xác định là đã khắc phục khi thực hiện công bố thông tin (nếu chưa công bố) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày SGDCK xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin gần nhất.”.

Thêm cổ phiếu nhóm FLC bị cắt margins

Cũng trong nhóm FLC, từ 23/8 có thêm GAB bị cắt margins. Nguyên nhân là GAB chậm công bố thông tin BCTC bán niên 2022 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Trước đó, ngày 16/8, GAB đã có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HoSE giải trình về việc vẫn chưa công bố BCTC bán niên soát xét dù đã quá thời hạn.

Theo đó, GAB đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện BCTC soát xét bán niên 2022 theo đúng quy định. Tuy nhiên, các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán Việt Nam.

FLC nhận thêm 8 quyết định cưỡng chế thuế hơn 130 tỷ đồng

Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn – Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với CTCP Tập đoàn FLC

Đây đều là quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC tại các ngân hàng.

Các tài khoản của FLC bị phong tỏa bao gồm tại VPBank chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1, TP.HCM, OCB chi nhánh Hà Nội, Agribank chi nhánh Tây Đô, Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, VietinBank chi nhánh Thanh Hóa và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Lý do cưỡng chế là FLC đã nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày so với quy định. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 130 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 8, FLC cũng nhận 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế tương tự với tổng số gần 224 tỷ đồng.

Cục thuế Thành phố Hà Nội vừa qua cũng có 9 quyết định gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với FLC.

Exit mobile version