IMF cảnh báo nguy cơ lỗ thủng 4 nghìn tỷ USD trong triển vọng kinh tế thế giới

Các dự báo ảm đạm của IMF được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát gia tăng. Đặc biệt, lỗ hổng trong triển vọng tăng trưởng đến năm 2026 mà Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã xác định vào tuần trước là một rủi ro tiềm ẩn.

Triển vọng kinh tế toàn cầu đang u ám và rủi ro suy thoái đang nhanh chóng gia tăng: Đó là thông điệp mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 6/10 khi tổ chức này một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của mình.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng các quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý suy giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau. Và ngay cả khi tăng trưởng tích cực, nó vẫn sẽ giống như một cuộc suy thoái vì thu nhập thực tế thấp hơn và giá cả cao hơn”.

IMF dự đoán rằng thế giới có thể mất 4 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế từ nay đến năm 2026. Bà Georgieva nói: “Đó là quy mô của nền kinh tế Đức – một bước lùi rất lớn đối với nền kinh tế thế giới”.

Sự kết hợp hiện tại của các cuộc khủng hoảng kinh tế, khí hậu và an ninh khiến khác xa so với những gì mà các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã thấy kể từ năm 1945. Tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang tăng trưởng chậm lại do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, bất động sản Trung Quốc khủng hoảng và lạm phát cao lịch sử ở Mỹ.

Các dự báo được đưa ra sau khi liên minh OPEC + gồm các nước xuất khẩu dầu đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá dầu sụt giảm trong một động thái để đối phó với nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn và những nhạy cảm chính trị trước cuộc bầu cử quốc gia quan trọng vào tháng 11 tới.

Cùng lúc đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát gia tăng. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tích cực nhất trong việc sử dụng tăng lãi suất như một công cụ hạ nhiệt lạm phát và các ngân hàng trung ương từ châu Á đến Anh đã bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này.

Bà Georgieva cho biết thể chế tài chính toàn cầu này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 trong dự báo có thể được công bố tại hội nghị thường niên, dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ). Đây là hội nghị trực tiếp của IMF và WB đầu tiên kể từ năm 2019 – trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trước đó, tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%.

Exit mobile version