IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine

Căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt vào nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới đã khiến tình hình thương mại thế giới lao đao, đẩy giá năng lượng, lương thực, thực phẩm tăng cao. Do đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông báo hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

IMF dự kiến ​​hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do chiến tranh Ukraine

Theo tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, IMF sẽ phải cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu do hậu quả kinh tế khó tránh từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.

“Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng do hậu quả của cuộc khủng hoảng, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng thế giới sẽ ở trong vùng tăng trưởng tích cực”, bà cho biết.

Phát biểu của lãnh đạo cấp cao IMF đến sau một ngày sau khi cơ quan này phê duyệt khoản hỗ trợ khẩn cấp 1,4 tỷ USD cho Ukraine. Khoản tiền trên sẽ được chính phủ Ukraine sử dụng cho hoạt động hỗ trợ chính như trả lương và quỹ trợ cấp hưu trí.

Vào tháng 1/2022, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm nửa điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021 do trở ngại từ biến thể Omicron.

Vói tình hình chiến sự căng thẳng như hiện nay, chính IMF cũng thừa nhận chiến tranh là yếu tố bất ổn trong công việc đưa ra dự báo tăng trưởng của IMF.

Hơn thế nữa, hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến như giá cả leo thang, lạm phát tăng cao cũng gây bất ổn cho tình hình kinh tế và kìm hãm đà tăng trưởng. Giá hàng hóa trên thế giới leo thang mạnh cũng tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, đè nặng lên sức mạnh chi tiêu và triển vọng tăng trưởng.

Xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá lương thực thế giới tăng mạnh

Dầu thô Brent đã liên tục phá mốc kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kim loại bao gồm Palladium và nickel cũng không ngừng tăng mạnh. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều là 2 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, do đó, căng thẳng về khủng hoảng lương thực là điều khó có thể tránh khỏi.

Bà Georgieva cảnh báo áp lực giá cả từ chiến tranh có thể đè nặng lên thu nhập thực tế của người dân và làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Theo quan điểm của Tổng giám đốc IMF, Nga “chắc chắc” sẽ đi vào suy thoái kinh tế. Hơn nữa, mối quan ngại hiện nay là các chính sách thắt chặt kinh tế sau 2 tuần qua có thể làm giảm đà hồi phục hậu đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Exit mobile version