IMF: nợ công toàn cầu lên tới gần 100% GDP

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong phát biểu của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva tại hội nghị trực tuyến ở Đại học Bocconi (Italy), ngày 5/10.

IMF dự báo tăng trưởng thấp hơn

Vào tháng 7, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 6% vào năm 2021. Nhưng trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được cập nhật vào tuần tới, IMF đã hạ mức tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng sẽ ở mức thấp hơn trong năm nay.

Ở nhiều quốc gia khác, tăng trưởng tiếp tục xấu đi, do cản trở bởi khả năng tiếp cận vaccine thấp và phản ứng chính sách hạn chế, đặc biệt là ở một số quốc gia có thu nhập thấp. Sự phân hóa về vận may kinh tế này đang trở nên dai dẳng hơn.

Tỷ lệ lạm phát đã tăng nhanh chóng ở một số quốc gia, và một lần nữa, đại dịch đã gây ra sự chênh lệch về tỷ lệ này ở các quốc gia. Lạm phát cũng đã làm tăng giá lương thực toàn cầu (tăng hơn 30% trong năm vừa qua). Cùng với việc tăng giá năng lượng, điều này đang gây thêm áp lực đến các hộ gia đình nghèo trên thế giới. Lạm phát gia tăng kéo dài có thể dẫn đến việc tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tài chính. Đây sẽ là thách thức đối với các quốc gia mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Về nợ công, IMF ước tính rằng nợ công toàn cầu đã lên tới gần 100% GDP. Phần lớn điều này là do các biện pháp tài khóa cần thiết được thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng, cũng như những thiệt hại nặng nề về sản xuất và doanh thu do đại dịch. IMF nhận thấy sự chênh lệch lớn về nợ công giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Nhiều quốc gia đang phát triển đã đối phó với sự bùng nổ của đại dịch với rất ít ngân sách. Các quốc gia này thậm chí còn gặp khó khăn trong việc điều động ngân sách và tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

Sản lượng kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ trở lại trước đại dịch vào năm 2022. Nhưng hầu hết các nước mới nổi và đang phát triển sẽ mất nhiều năm nữa để phục hồi.

Nếu không đủ vaccine…

Bà Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh rằng, trong 10 tháng qua, vaccine đã giúp cứu sống hàng triệu người. Và cùng với sự hỗ trợ của các chính sách đặc biệt, thế giới đang dần chuyển từ khủng hoảng sang phục hồi.

Tuy nhiên, sự phục hồi toàn cầu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch. Tổng giám đốc IMF cũng chỉ ra rằng sự mất cân bằng lớn về khả năng tiếp cận với vaccine, khả năng ứng phó, khả năng hỗ trợ phục hồi và khả năng đầu tư cho tương lai chính là những trở ngại lớn của sự phục hồi toàn cầu.

Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến được tổ chức tại Washington D.C trong tuần từ 11 đến 17/10 tới.

“Chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu do IMF, WB, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra – là tiêm chủng cho ít nhất 40% người dân ở mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% vào nửa đầu năm 2022”, Tổng giám đốc IMF cho biết.

Để làm được điều này, bà nhấn mạnh phải tăng việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Các quốc gia giàu có hơn phải thực hiện các cam kết đóng góp của họ ngay lập tức. Và cùng với nhau, chúng ta phải tăng cường khả năng sản xuất và phân phối vaccine và loại bỏ các hạn chế thương mại đối với vật liệu y tế.

Nếu không làm vậy, phần lớn thế giới sẽ vẫn chưa được tiêm chủng, và thảm kịch của con người sẽ tiếp tục. Điều đó sẽ kìm hãm sự phục hồi. Chúng ta có thể thấy thiệt hại GDP toàn cầu tăng lên 5,3 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.

Exit mobile version