Iran: Đề xuất của EU nối lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ‘có thể chấp nhận được’

Iran đang đánh giá “văn bản cuối cùng” do Liên minh châu Âu đề xuất để nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Truyền thông Iran ngày 12/8 đưa tin Iran “chấp nhận” văn bản này trên cơ sở đảm bảo rằng các yêu cầu chính có thể được đáp ứng.

Ngày 12/8, hãng thông tấn IRNA dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của Iran cho biết văn bản dự thảo “cuối cùng” do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) có thể chấp nhận được nếu đáp ứng được những yêu cầu chính của Tehran.

“Nếu đề xuất của (EU) cung cấp đảm bảo cho Iran về các vấn đề như đảm bảo an ninh, các biện pháp trừng phạt và đảm bảo cho thỏa thuận, Iran có thể chấp nhận nó.”

Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, cho biết EU đã đệ trình một “văn bản cuối cùng” cho các bên liên quan đến việc nối lại các cuộc đàm phán về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, và mong đợi tất cả các bên đưa ra quyết định chính trị về văn bản này.

Trong gần một năm qua, Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua vai trò điều phối của EU. Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, trong đó có việc thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran và ngược lại, đưa Iran trở lại tuân thủ các cam kết.

Khó khăn trong việc đạt được đột phá trong đàm phán chủ yếu là do Iran kiên quyết yêu cầu Mỹ đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Ngoài ra, Iran đang tìm kiếm sự đảm bảo để tránh lặp lại việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sau đó áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. 

Vào tháng 7/2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Theo thỏa thuận, Iran cam kết hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Vào tháng 5/2018, chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái khởi động và bổ sung một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần dần đình chỉ việc thực hiện một số điều khoản của thỏa thuận, nhưng hứa rằng các biện pháp “có thể đảo ngược”.

Exit mobile version