Janet Yellen: Lạm phát ở Mỹ ‘cao không thể chấp nhận được’, nhưng suy thoái không phải là không thể tránh khỏi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại, nhưng không phải là suy thoái, với sức tiêu thụ mạnh và thị trường lao động đều tích cực. Bà kỳ vọng trong những tháng tới, tốc độ lạm phát có thể sẽ kìm hãm lại.

Khi Cục Dự trữ Liên bang thực hiện các bước đi quyết liệt để chống lại lạm phát cao và nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sự suy thoái trong nền kinh tế Mỹ, các quan chức Mỹ đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên để giảm lo ngại suy thoái trong lòng dân chúng.

Chủ nhật ngày 20/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng cuộc suy thoái mà nhiều người Mỹ lo sợ  “không phải là không thể tránh khỏi”.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “This Week” của ABC News, bà Yellen nhận định: “Tôi dự kiến nền kinh tế sẽ giảm tốc. Thời gian qua chúng ta đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động phục hồi, và Mỹ đã đạt đến trạng thái toàn dụng lao động.”

Bà Yellen cũng thừa nhận: “Rõ ràng lạm phát hiện nay cao đến mức không thể chấp nhận được”. Lạm phát tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.

Yellen không nghĩ rằng sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sẽ là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Bà nói, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn rất mạnh và giá thực phẩm và năng lượng cao hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng hầu hết người tiêu dùng, ngay cả các hộ gia đình có thu nhập thấp, vẫn có các khoản tiết kiệm dành cho chi tiêu. Ngoài ra, bà Yellen nhấn mạnh thị trường lao động Mỹ đang ở trong trạng thái mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và dự đoán lạm phát sẽ hạ nhiệt “trong những tháng tới”.   

Trong khi bà Yellen lạc quan rằng nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái thì với lạm phát, bà nói thẳng, là “cao không thể chấp nhận được.”

Bà Yellen nhắc lại rằng xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao. Dù những yếu tố trên sẽ không thay đổi ngay lập tức, bà hy vọng tốc độ lạm phát sẽ giảm bớt trong những tháng tới.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell trước đây đã cho biết mục tiêu của ông là giảm lạm phát trong khi duy trì thị trường lao động mạnh mẽ. Ngày 15/6/2022, sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %. Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Fed hiện nay.

Ngay sau quyết định của FED, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng bước vào chu kỳ tăng lãi suất mới. Ngày 16/6, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2007. Trong thông báo bất ngờ, SNB cho biết nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 1,25% trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Anh có thể lên đến 11% trong năm nay. Đây là lần thứ 5 BOE tăng lãi suất kể từ tháng 12/2021.

Exit mobile version