Joe Biden cân nhắc dỡ bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa của Trung Quốc

Joe Biden cân nhắc dỡ bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa của Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang cân nhắc việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi tăng cường kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu trong bối cảnh ông phải đối mặt với làn sóng lạm phát gây tổn hại về mặt chính trị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc việc cắt giảm thuế

Phát biểu trong chuyến thăm Tokyo ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang cân nhắc dỡ bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa của Trung Quốc được thực thi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Bình luận về việc giảm thuế đối với Trung Quốc, ông Biden nêu rõ: “Tôi đang xem xét điều đó. Chúng tôi không áp đặt bất kỳ mức thuế nào trong số đó. Chúng được áp đặt bởi chính quyền tiền nhiệm và các mức thuế đó đang được xem xét.”

Ông Biden đã đưa ra những bình luận trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo.

Thuế đánh vào số hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 và ông Biden đối mặt với những kêu gọi gia tăng trong việc dỡ bỏ những loại thuế này nhằm góp phần hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm.

Ông Biden có những phát biểu trên sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong tuần trước đã nói thuế đánh vào một số hàng hóa được thực thi dưới thời ông Trump có thể đã ảnh hưởng nhiều hơn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ và ít có tác dụng giải quyết những vấn đề từ phía Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ cũng nói rằng một cuộc suy thoái tại Mỹ là có thể tránh được, nhưng có những tác động kinh tế đối với người tiêu dùng Mỹ. Việc dừng đánh thuế có thể có phần hạ nhiệt lạm phát khi làm giảm giá hàng nhập khẩu.

Đề cập đến nền kinh tế Mỹ, ông cho rằng Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái, song thừa nhận người Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế khi lạm phát tăng cao.

Ông Biden cũng thông báo 13 quốc gia đã tham gia một sáng kiến thương mại mới của châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng, dù còn có những vấn đề về hiệu quả của hiệp định.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018 khi chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế với lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2020, hai nước đã ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1,” theo đó Mỹ đồng ý giảm bớt thuế quan đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức của năm 2017.

Kể từ khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã giải quyết một số tranh chấp thương mại với các đồng minh của Mỹ, trong đó có thỏa thuận mới được công bố vào tuần trước về dỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng thép và nhôm của Anh. Tuy nhiên, không có bước đột phá tương tự nào đối với Trung Quốc, mặc dù USTR đã nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Trước đó, Washington đã đồng ý gia hạn miễn thuế đối với 352 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi các doanh nghiệp khiếu nại việc áp thuế đã làm tăng chi phí trong khi Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát tăng cao

Exit mobile version