Tổng thống Joe Biden chịu áp lực về kế hoạch xóa nợ sinh viên sau nhiều tháng bị nghi ngờ

Ngày 24/8, Tổng thống Joe Biden đã thực hiện lời hứa của mình với thông báo về các biện pháp mới để xóa nợ sinh viên. Cụ thể, những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm có thể được xóa 10.000 USD nợ sinh viên. Mức xóa nợ có thể lên tới 20.000 USD đối với những người từng nhận hỗ trợ tài chính từ chương trình Pell Grants.

Ngoài ra, Chính quyền cũng sẽ giãn nợ sinh viên cho đến hết ngày 31/12 năm nay và có thể đây sẽ là lần giãn nợ cuối cùng. Chương trình giãn nợ sinh viên vốn kéo dài nhiều năm qua có thể sẽ chấm dứt vào đầu năm tới, thay thế bằng một kế hoạch trả nợ linh hoạt và phù hợp hơn.

Với nhiều sinh viên, nỗi lo sợ nhất khi đi học đại học là thi trượt và nợ môn học. Tuy nhiên, những sinh viên Mỹ còn có một món nợ đáng sợ không kém, đó là nợ tiền. Cụ thể là tiền họ đã vay để đóng học, để trang trải cuộc sống suốt thời sinh viên. Món nợ đó có thể lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hơn 100.000 USD. Tổng số nợ sinh viên ở Mỹ hiện tại là 1,7 nghìn tỷ USD và cả nước có khoảng 44 triệu cựu sinh viên gánh nợ từ thời đại học. 

Phát biểu tại Nhà Trắng sau khi ký sắc lệnh xóa nợ sinh viên, Tổng thống Biden nói: “Điều này có nghĩa là cuối cùng người Mỹ sẽ bắt đầu thoát ra khỏi núi nợ sinh viên… để cuối cùng nghĩ đến việc mua một ngôi nhà hoặc kết hôn hoặc bắt đầu kinh doanh. Khi điều đó xảy ra, toàn bộ nền kinh tế sẽ tốt hơn”.

Việc trả nợ sinh viên tại Mỹ vốn đã được tạm hoãn kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Động thái này có thể thúc đẩy sự ủng hộ đối với các đảng viên Đảng Dân chủ của ông Biden trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới, nhưng một số nhà kinh tế cho biết nó có thể thúc đẩy lạm phát. Một số đảng viên Đảng Cộng hòa đã đặt câu hỏi liệu tổng thống có thẩm quyền hợp pháp để xóa nợ hay không.

Theo ước tính từ tổ chức Penn Wharton Budget Model, việc xóa đi khoản nợ trị giá 10.000 đô la cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm sẽ khiến chính phủ tiêu tốn khoảng 300 tỷ USD.

Mặc dù 300 tỷ đô không phải là con số quá lớn đối với nền kinh tế trị giá 25 nghìn tỷ đô la, nhưng chi phí của kế hoạch xóa nợ sinh viên sẽ làm hủy bỏ tác dụng giảm thâm hụt ngân sách của Đạo luật Giảm Lạm phát mà Mỹ vừa thông qua. Đạo luật được ban hành sau hơn một năm tranh luận về phí, thuế, tín dụng thuế và các quy định. Tuy nhiên, quy mô của đạo luật giảm đáng kể so với kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better) trị giá 1.750 tỷ USD mà ông Biden đề xuất năm ngoái.

Exit mobile version