Không chỉ mâu thuẫn giữa CEO, JPMorgan Chase còn là ngân hàng đầu tư Phố Wall coi thường Tesla nhất

Việc các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase không ưa Tesla thậm chí còn xuất hiện trước mâu thuẫn giữa CEO hai bên được công khai.

Trước khi Elon Musk và Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase công khai mối thù hằn, JPMorgan Chase đã là ngân hàng đầu tư kém lạc quan nhất về Tesla.

Theo xếp hạng nhà phân tích mới nhất do bộ phận nghiên cứu của JP Morgan Chase đưa ra vào ngày 21/10, giá cổ phiếu mục tiêu đối với Tesla vào tháng 12/2022 được đặt ở mức 250 USD. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với giá đóng cửa là 1109,03 USD/cổ phiếu vào thứ Ba tuần này (23/11).

JPMorgan Chase cũng đánh giá xếp hạng của Tesla khá “nhẹ cân”.

Theo dữ liệu của Bloomberg, giá cổ phiếu mục tiêu (price target) hiện tại của JPMorgan Chase đối với Tesla là mức giá bi quan nhất trong tất cả các ngân hàng đầu tư. Giá mục tiêu trung bình trong 12 tháng của các nhà phân tích Phố Wall với công ty xe điện lớn nhất nước Mỹ là 799,25 USD.

Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, từ khoảng 150 USD/cổ phiếu trước khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế thế giới vào tháng 2/2020 lên giá đóng cửa hôm thứ Ba (23/11) là 1109,03 USD/cổ phiếu, tăng hơn 630%.

Trong giai đoạn này, giá mục tiêu của các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall với Tesla cũng đã tăng lên. Ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia của Mỹ Jefferies đã tăng giá mục tiêu trong 12 tháng của Tesla từ 120 USD/cổ phiếu lên 1400 USD/cổ phiếu. Giá mục tiêu của Morgan Stanley là 1.200 USD/cổ phiếu, trong khi giá mục tiêu của Goldman Sachs là 1125 USD/cổ phiếu.

Trang web kinh doanh MarketInsider tuyên bố rằng JP Morgan Chase không cho rằng Tesla là một công ty tồi. Nhà phân tích Ryan Brinkman đã viết trong một báo cáo vào ngày 2/ 10 rằng nhà sản xuất ô tô có “công nghệ tiên tiến hàng đầu” và một loạt các sản phẩm “táo bạo, độc đáo, thanh lịch và lái xe dễ chịu”; tuy nhiên, giá của Tesla quá cao, “vượt xa” kỳ vọng của JPMorgan Chase.

Ngoài JP Morgan Chase, nhiều người tham gia thị trường khác tỏ ra nghi ngờ về sự trỗi dậy nhanh chóng của Tesla. Ví dụ, Micheal Burry, ông trùm bán khống đã nhiều lần tuyên bố rằng giá cổ phiếu của Tesla là dấu hiệu của bong bóng.

Mối thù không đội trời chung giữa hai vị CEO của Tesla và JPMorgan Chase

CEO JPMorgan Chase

Tuần trước, JP Morgan Chase cáo buộc Tesla vi phạm thỏa thuận về chứng quyền và yêu cầu bồi thường 162 triệu USD.

Vào năm 2014, JP Morgan Chase đã mua chứng quyền từ Tesla, chứng quyền này sẽ hết hạn vào tháng 6 và tháng 7 năm 2021. Sau khi Musk thông báo chuẩn bị tư nhân hóa Tesla, JP Morgan Chase đã điều chỉnh giá thực hiện hai lần. Tesla cho rằng việc điều chỉnh giá của họ là “quá nhanh” và “mang tính đầu cơ.”

Khi hết hạn hợp đồng trong năm nay, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng vọt, vượt giá gốc và giá điều chỉnh. JPMorgan Chase đã đưa ra yêu cầu thanh toán cho Tesla và Tesla đã trả tiền bồi thường cho JPMorgan Chase theo giá thực hiện ban đầu, nhưng từ chối trả số tiền bổ sung cần thiết cho việc điều chỉnh giá chứng quyền của JPMorgan Chase.

Sau đó, mối thù nhiều năm giữa Musk và Jamie Dimon, hai CEO, cũng được công khai. Khi mới niêm yết, JPMorgan Chase đã do dự với Tesla, và khi Tesla mở rộng, Elon Musk đã chọn hợp tác với các ngân hàng khác và từ chối JPMorgan Chase.

Theo báo cáo, trong những ngày đầu IPO của Tesla, JPMorgan Chase đã thất bại trong việc trở thành nhà đầu tư sớm vì không lạc quan về xe điện. Sau đó, khi JPMorgan Chase tiếp cận Tesla, với hy vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho vay mua ô tô cho các chủ sở hữu Tesla, Tesla đã từ chối JPMorgan Chase.

Musk và Dimon đã cố gắng hàn gắn mối quan hệ của họ, nhưng họ đã gặp xung đột. Điều này dẫn đến quyết định cuối cùng của JPMorgan Chase, “Sẽ tốt hơn nếu không có Tesla.”

Exit mobile version