Kê biên tài sản của lãnh đạo FLC, Tân Hoàng Minh: Bộ Tư pháp nói gì?

Kê biên tài sản của lãnh đạo FLC, Tân Hoàng Minh: Bộ Tư pháp nói gì?

Bộ Tư pháp đã lên tiếng khi được báo chí hỏi về việc kê biên tài sản của lãnh đạo FLC, Tân Hoàng Minh.

Bộ Tư pháp nói về kê biên tài sản của lãnh đạo FLC

Chiều 27/4 đã diễn ra cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp. Phóng viên Dân Trí đã đặt câu hỏi liên quan tới việc phong tỏa tài sản của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng và các lãnh đạo của 2 tập đoàn này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự – Nguyễn Thắng Lợi cho biết, nhiều vụ việc dù tuyên án phải thu hồi giá trị tài sản lớn nhưng khi tiến hành thi hành án, xác minh tài sản các đương sự thì giá trị thi hành lại rất nhỏ. Vì thế, tỷ lệ thi hành, thu hồi tài sản được rất ít.

Ông Lợi cho biết, Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể về các biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Về 2 vụ việc được đề cập, ông Lợi cho biết Bộ Tư pháp rất quan tâm. Phía cơ quan tố tụng đã tạm giữ, phong tỏa tài sản của chủ thể liên quan ở các địa phương và tiếp tục theo dõi, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo việc thi hành án sau này.

Ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin trong cuộc họp báo (Ảnh: T.K/Dân Trí).

Liên quan đến vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vùa qua đã rà soát. Kết quả khẳng định ông Trịnh Văn Quyết “không có tài sản cá nhân” ở Vĩnh Tường.

Bổ sung 5 vụ án vào diện BCĐ Trung ương theo dõi

Ngày 27/4, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung 5 vụ án vào diện theo dõi, trong đó có 2 vụ dậy sóng dư luận trong thời gian gần đây chính là vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại FLC và vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, 3 vụ án còn lại gồm: Đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan liên quan; dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP HCM; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.

Nhà chức trách từ đầu năm đến nay đã khởi tố, điều tra hơn 1.200 vụ với hơn 2.000 bị can. Trong đó có 8 cán bộ diện Trung ương quản lý bị khởi tố, gồm một thứ trưởng, một nguyên thứ trưởng, một nguyên chủ tịch UBND tỉnh, 5 sĩ quan cấp tướng.

Kế hoạch của Ban chỉ đạo là đến hết năm 2022 sẽ kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ, xét xử sơ thẩm 24 vụ, xét xử phúc thẩm 6 vụ; kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ.

Exit mobile version