Kết quả kinh doanh quý 3/2021 hé lộ – Nhiều doanh nghiệp báo lãi, bất chấp dịch bệnh

Kết quả kinh doanh quý 3/2021 hé lộ - Nhiều doanh nghiệp báo lãi, bất chấp dịch bệnh

Kết quả kinh doanh quý 3 hé lộ – Nhiều doanh nghiệp báo lãi, bất chấp dịch bệnh: Tháng 9 khép lại cũng là thời điểm các con số trong BCTC quý 3 dần lộ diện. Trái hẳn với tâm lý lo ngại của nhiều nhà đầu tư, trên thị trường đã bắt đầu hé lộ những khoản lợi nhuận tích cực bất chấp đại dịch làm đình trệ kinh doanh, sản xuất trong suốt mấy tháng vừa qua, lợi nhuận vẫn có phân nửa doanh nghiệp đang hé mở kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng ấn tượng.

Kết quả kinh doanh quý 3: Nhóm cao su dẫn đầu đà tăng

Các doanh nghiệp đã lần lượt công bố BCTC quý 3 và điểm sáng đáng chú ý là các đơn vị cao su đồng loạt ghi nhận lợi nhuận “bứt phá” so với cùng kỳ.

Dẫn đầu mức tăng trưởng là Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) với lãi sau thuế hơn 11 tỷ đồng, gấp 4.7 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này lại không ghi nhận từ kết quả kinh doanh chính mà đến từ khoản cổ tức của CTCP Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm sản và Phân bón Bà Rịa giúp doanh thu tài chính trong kỳ của TNC gấp gần 3.7 lần cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ đồng.

Cùng ngành, nhờ tiết giảm được phần lớn giá vốn, Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) báo lãi sau thuế quý 3/2021 gấp hơn 3 lần cùng kỳ, lên gần 34 tỷ đồng.

Hay như Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) cũng báo lãi ròng quý 3/2021 gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt gần 121 tỷ đồng và biên lãi gộp cải thiện mạnh từ hơn 14% lên 50%. Theo Công ty, do tình hình kinh tế đang phục hồi, giá bán mủ cao su tiêu thụ đã tăng hơn 28% so với quý 3 năm trước, đạt hơn 38 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất trong kỳ được tiết giảm đáng kể (32%) nhờ sản lượng cao su khai thác gia tăng.

Đại diện ngành xây dựng, nhờ sáp nhập CTCP Sunshine – Design và đẩy nhanh thi công một số dự án và hạ tầng mới, Xây dựng SCG (UPCoM: SCG) ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý 3 đồng loạt bứt phá, lần lượt đạt 559 tỷ đồng và 21.5 tỷ đồng.

Không đến từ hoạt động cốt lõi, nhờ đầu tư chứng khoán, CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) báo lãi ròng đạt hơn 142 triệu đồng trong khi 5 quý liền trước đều chìm trong thua lỗ. Hay như Louis Land (HNX: BII) cũng công bố thoát lỗ trong quý 3 nhờ khoản thu tài chính và hoàn nhập chi phí quản lý.

Tín hiệu yếu kém từ doanh nghiệp ngành điện và bất động sản khu công nghiệp

Giá điện hợp đồng Qc giảm khiến con số lãi sau thuế quý 3 của Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) “bay hơi” 96% so cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng.

Người anh em trong ngành là Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) cũng đồng loạt báo doanh thu và lãi ròng tụt dốc, lần lượt ghi nhận ở mức 112 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. BHA cho biết doanh thu giảm là do lưu lượng nước về thấp nên sản lượng điện thương phẩm bị thu hẹp.

Cùng cảnh ngộ, doanh thu giảm trong khi giá vốn tăng cũng khiến lãi ròng của Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (UPCoM: ND2) giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 85 tỷ đồng.

Ở phía ngành bất động sản khu công nghiệp, CTCP Thống Nhất (HNX: BAX) đồng loạt báo doanh thu và lợi nhuận lao dốc, xuống chỉ còn gần 19 tỷ đồng và 7 tỷ đồng. Kết quả không khả quan là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, còn các công trình buộc phải tạm ngừng thi công. Do đó, Công ty chưa thể hoàn thiện bàn giao nhà ở tại Khu Trung tâm dịch vụ cho khách hàng và ghi nhận doanh thu theo kế hoạch đề ra.

Cùng ngành, sụt giảm doanh thu trong cả hoạt động kinh doanh chính lẫn hoạt động tài chính đã khiến lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 của Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) chỉ đạt gần 49 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3: Nhóm tài nguyên tăng mạnh

Khối Phi tài chính, tăng trưởng lợi nhuận đến từ các doanh nghiệp hưởng lợi đà tăng giá hàng hóa và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế Q3/2021 của 32 doanh nghiệp được dự báo có thể tăng 36,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong bối cảnh giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn kéo dài trong quý 3. So với quý 2 trước đó, lợi nhuận sau thuế giảm 13,4%.

Tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu ghi nhận tại các nhóm ngành hưởng lợi (i) đà tăng giá hàng hóa như Thép, Phân bón, Hóa chất, (ii) đứt gãy chuỗi cung ứng gồm Vận tải biển, Thực phẩm và (nhu cầu gia tăng do giãn cách như Công nghệ Thông tin.

Trong đó, nhóm Tài nguyên cơ bản có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất trong quý 3/2021 với 129% dù mức này đã giảm đáng kể so với quý 2/2021. Tiếp theo là nhóm hoá chất với mức tăng trưởng 102,8%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành dự kiến có lợi nhuận giảm mạnh do tiêu dùng trong nước sụt giảm vì ảnh hưởng của giãn cách xã hội, bao gồm Hàng cá nhân (PNJ), Bia (SAB), Cao su (HRC), Khí đốt (GAS) và Dược phẩm (IMP). Riêng hàng cá nhân lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 giảm mạnh nhất 136% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là nhóm Dầu khí, bán lẻ.

Tuy vậy, đây lại là những nhóm ngành sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi các hoạt động kinh tế và giao thương được kích hoạt trở lại theo chiến lược “Sống chung với Covid”.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu trong nhiều tuần cũng phân hóa theo triển vọng lợi nhuận của từng nhóm ngành. Phần lớn các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý 3 đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng giá trong hơn 1 tháng qua.

Nhờ dòng tiền sôi động, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (bao gồm TCD, DGC, DCM) tăng tốt hơn so với nhóm vốn hóa lớn như “xe lu” HPG, MSN, FPT. Xu hướng tăng giá này khiến định giá chung của nhóm VNMID và VNSML hiện đang ở mặt bằng khá cao so với mức trung bình 3 năm.

Trong khi đó, kỳ vọng hồi phục đã giúp nhiều cổ phiếu thuộc nhóm có lợi nhuận quý 3 suy giảm bật tăng tốt trong các ngày gần đây. Nổi bật là GAS với lợi nhuận sau thuế quý 3 ước giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng câu chuyện về giá khí đang tăng cao và nhu cầu khí cho sản xuất điện hồi phục trong quý 4 đã giúp cổ phiếu GAS tăng 22,5% trong 2 tuần qua.

Kết quả kinh doanh quý 3: Bóng đen” bao phủ

Mặc dù các chi phí đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước nhưng với doanh thu giảm mạnh, Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) ngậm ngùi ôm lỗ ròng hơn 33 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Việc tạm đóng cửa showroom do giãn cách kéo dài dường như đã khiến tình hình bán xe của Nhà phân phối Mercedes-Benz Việt Nam rơi vào trạng thái “đóng băng”. Lượng hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 của HAX tăng 34% so với đầu năm, giá trị hơn 756 tỷ đồng (chiếm 59% tổng tài sản).

Những ảnh hưởng từ việc giãn cách kéo dài đã giáng đòn nặng nề đến nhóm ngành vận tải chuyên chở hành khách và Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) cũng không ngoại lệ khi báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ sau hơn chục năm chào sàn.

Một trường hợp khác, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (UPCoM: HKB) lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng. Thua lỗ 7 quý liên tiếp đã nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/09/2021 của doanh nghiệp lên hơn 255 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 3: Kết quả ước thực hiện đa phần khả quan

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa công bố kết quả chính thức nhưng đã có những con số ước thực hiện dần lộ diện.

Với kết quả tích cực từ dự án I-Tower Quy Nhơn và lợi nhuận từ việc đầu tư vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2), Đầu tư MST (HNX: MST) ước tính doanh thu quý 3 đạt 55 tỷ đồng (gấp gần 3 lần cùng kỳ) và lãi trước thuế hợp nhất đạt 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ ở mức 532 triệu đồng.

Mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ nhưng lãi sau thuế quý 3 của Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) lại gấp hơn 8 lần kết quả cùng kỳ, với gần 106 tỷ đồng. Với kết quả khả quan, sau 9 tháng, TLH đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2021 hơn 69%.

Loạt doanh nghiệp cũng ghi nhận lợi nhuận ước thực hiện tăng so với cùng kỳ như Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HOSE: TNH), Chứng khoán SSI (HOSE: SSI), Vicostone (HNX: VCS)…

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) chỉ ước đạt 138 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ quý 4/2019 của Tập đoàn.

Exit mobile version