Khó kỳ vọng vào một con sóng lớn?

Cổ phiếu ngành chứng khoán 2023: Khó kỳ vọng vào một con sóng lớn? - Ảnh 1.

Trái ngược khí thế hừng hực cách đây một năm, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã khép lại năm 2022 với nhiều sự thất vọng. Những đợt giảm sâu liên tiếp trong năm qua có thời điểm đã kéo một loạt cổ phiếu xuống đáy dài hạn vào giữa 11. Sau một nhịp hồi khá nhanh và mạnh, nhóm chứng khoán lại đồng loạt quay đầu điều chỉnh sâu.

Kết thúc năm 2022, hầu hết các cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn giảm trên 50%, thậm chí một vài cái tên còn mất hơn 70% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ đỉnh cao với 3 cái tên trong danh sách tỷ USD vốn hóa, nhóm các CTCK kết thúc năm 2022 chỉ còn duy nhất một đại diện và cũng đang ngấp nghé ngưỡng bị “rớt đài”.

Sự hụt hơi của nhóm chứng khoán diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất ngờ tụt áp trong nửa sau tháng 12, đặc biệt trong tuần cuối cùng của năm. Giá trị khớp lệnh trên HoSE liên tục phá đáy và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 25 tháng kể từ tháng 11/2020. Con số bình quân trong tuần cuối cùng chỉ đạt 6.800 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn một tháng trước.

Trên thực tế, giao dịch trên thị trường đã trở nên ảm đạm hơn nhiều sau quý đầu năm. Những phiên giao dịch tỷ USD không còn xuất hiện, thay vào đó là mức thanh khoản khớp lệnh phổ biến chỉ quanh mức 10.000 tỷ đồng. Dù vẫn có một vài giai đoạn giao dịch khá sôi động nhưng nhìn chung thanh khoản thị trường đã thấp hơn đáng kể so với năm ngoái. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong năm 2022 chỉ đạt 15.500 tỷ đồng, giảm 22,5% so với con số trung bình năm 2021.

Môi trường tiền rẻ không còn

Thanh khoản thị trường suy giảm một phần đến từ việc dòng tiền rút ra để trở lại kinh doanh hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Sau giai đoạn duy trì lãi suất mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua kho khăn do Covid-19, mặt bằng lãi suất đã nhanh chóng tăng trở lại mức trước dịch.

Thực tế, lãi suất đã rục rịch tăng từ đầu năm chỉ thực sự nóng trong khoảng hơn 3 tháng trở lại đây. Áp lực tỷ giá do Fed liên tục hút tiền khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần tăng lãi suất điều hành thêm 1% trong năm qua, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Xu hướng này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong năm tới dù tốc độ có thể chậm hơn.

Nguồn: WiGroup

Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt sẽ đạt mức từ 5-5,25% vào cuối năm 2023. Như vậy Fed vẫn có thể tái lập việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm 2023, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận mức hạ nhiệt.

NHNN cho biết động thái giữ mặt bằng lãi suất cao của Fed trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và lãi suất của Việt Nam. Mặt bằng lạm phát cao và lạm phát cao và xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Tất nhiên, mức độ tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng thế giới đến kinh tế Việt nam sẽ không như năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng trong năm 2023. Đại diện NHNN cho hay điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới.

Các mảng hoạt động chính gặp khó

Không nằm ngoài xu hướng trên, các CTCK cũng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) lên dao động trong khoảng 13-15%/năm, cao hơn đáng kể so với mức 9-11% trong giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ cách đây một năm. Mặt bằng lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay của các CTCK khi nhu cầu sử dụng margin hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường.

Trên thực tế, sau khi đạt định hơn 200.000 tỷ đồng vào đầu năm, dư nợ cho vay tại các CTCK đã có dấu hiệu giảm mạnh trong quý 2. Dù tăng nhẹ trở lại trong quý 3 nhưng theo một số chuyên gia phần lớn nhà đầu tư cá nhân đã hạ tỷ trọng margin. Trong khi đó, sự gia tăng chủ yếu đến từ hoạt động đi vay của các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn do kênh trái phiếu bị siết chặt.

Hoạt động trên được dự báo sẽ khó duy trì trong thời gian dài và động lực chính thúc đẩy dư nợ cho vay tại các CTCK vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Tâm lý thận trọng cùng với xu hướng tăng lãi suất sẽ tạo ra thách thức lớn với mảng hoạt động quan trọng này của các CTCK. Thêm nữa, thiếu động lực từ margin có thể sẽ khiến nút thắt thanh khoản khó được cởi bỏ trong ngắn hạn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu từ hoạt động môi giới.

Theo dự báo của VCBS, thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 – 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.

Bên cạnh đó, các dự báo cũng cho thấy thị trường sẽ còn gặp nhiều thách thức trong nửa đầu năm khi bức tranh nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ mang nhiều màu sắc ảm đạm và chỉ có thể tạo đáy từ nửa sau của năm 2023. Theo kịch bản cơ sở của nhiều CTCK, VN-Index chủ yếu sẽ dao động trong khoảng 1.000-1.200 điểm. Trong bối cảnh đó, hoạt động tự doanh của các CTCK sẽ khó tăng trưởng đột biến, thậm chí có thể thua lỗ nếu thị trường biến động theo chiều hướng không thuận lợi.

Định giá rẻ nhưng có thật sự hấp dẫn?

Dù còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn điểm tựa đến từ mức định giá thấp. Phần lớn các CTCK đang có P/B dưới 2 lần trong đó top đầu đều có P/B dao động quanh mức 1-1,5 lần. Mức định giá thấp là bộ đệm giúp cổ phiếu nhóm chứng khoán khó giảm sâu đến mức thủng đáy cũ.

Tuy nhiên, mức định giá này cũng chưa hẳn đã đủ để kích hoạt dòng tiền lớn đổ vào như thời điểm xuống đáy hồi giữa tháng 11 – giai đoạn nhiều cổ phiếu chứng khoán top đầu xuống dưới giá trị sổ sách. Khi chất lượng tài sản là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, mức định giá hiện tại của nhóm chứng khoán cũng có phần chưa quá hấp dẫn.

Thêm nữa, một động lực quan trọng làm nên “con sóng thần” của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong năm 2021 là “game” tăng vốn cũng sẽ không dễ để triển khai trước những biến động không thuận lợi của thị trường. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường và nhu cầu margin vẫn khá hạn chế, các CTCK có thể sẽ không quá thiếu room cho vay thời gian tới sau khi đã tăng vốn “ồ ạt” trong giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2022.

Exit mobile version