Khó tìm được nhóm ngành dẫn sóng trong 2022, VN-Index có thể đạt 1,650 điểm?

ViMoney: Khó tìm được nhóm ngành thật sự dẫn sóng trong năm 2022?

Khó tìm được nhóm ngành dẫn sóng trong năm 2022? Ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, mức định giá của thị trường hiện tại chưa thể gọi là đắt, tuy nhiên, trong năm 2022, sẽ khó có nhóm ngành nào thật sự dẫn sóng do nền giá cũng đã ở mức cao.

Khó có nhóm ngành dẫn sóng do nền giá đã tương đối cao

Với P/E của thị trường hiện tại đang ở mức 17.5-17.8 thì mưc định giá của thị trường không phải là đắt, chỉ cao hơn mức bình quân 5 năm là 16.5-16.6 lần. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành vẫn đang tăng nóng. Điều này đặt ra câu chuyện vào năm sau, khi lợi nhuận, doanh thu không đạt như kỳ vọng thì các nhóm ngành đó sẽ bị điều chỉnh trở lại.

ViMoney: Khó tìm được nhóm ngành dẫn sóng trong năm 2022, VN-Index có thể đạt 1,650 điểm?Nhận định về nhóm ngành sẽ dẫn sóng trong năm 2022, ông Tuấn dự báo sẽ ít khả năng có một nhóm ngành nào đó có thể tăng quá mạnh ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới do nền giá của các ngành đã tương đối cao.

Tuy nhiên, những nhóm ngành có câu chuyện vẫn có thể tiếp tục thu hút dòng tiền.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù điều chỉnh mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 nhưng gần đây đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Sang năm 2022, khi nhiều chính sách về kích thích tăng trưởng, giảm nợ, kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất được triển khai, tình hình của các ngân hàng sẽ trở nên khả quan hơn.

Đọc thêm: NIM ngân hàng có thể giảm – Ngành ngân hàng liệu có còn hấp dẫn trong năm 2022?

Nhóm ngành tiêu dùng cũng cần được chú ý đến vì dù dịch bệnh đang quay trở lại nhưng tốc độ mở cửa của nền kinh tế vẫn đang được duy trì ở mức cao nên nhìn chung tình hình vẫn tương đối khả quan. Khi nền kinh tế dần mở cửa, công tác đầu tư công cũng sẽ được đẩy mạnh, nhờ đó nhóm ngành nguyên vật liệu sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, tổng thể, thị trường chứng khoán trong năm 2022 vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn do kết cấu của thị trường chung đã tạo nền khá tốt và cũng đang duy trì tích cực.

Mặc dù vậy, thị trường có thể sẽ không đạt cao như kỳ vọng. VN-Index có thể đạt khoảng 1,650 điểm trong năm 2022, còn HNX-Index có thể sẽ cán mốc 540 điểm. Việc thị trường tăng điểm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các gói kích cầu kinh tế có đủ để kéo dài đà tăng điểm của thị trường chứng khoán hay không, đặc biệt là trong bối cảnh cả tiêu dùng và sản xuất đều bị ảnh hưởng sau đại dịch. Ngoài ra, việc lạm phát đi lên như thế nào sau các gói kích cầu cũng sẽ quyết định xu hướng của thị trường trong năm sau.

Đọc thêm: Agriseco: Top 10 cổ phiếu tiềm năng cho danh mục tháng 01/2022

Sóng cổ phiếu vừa và nhỏ phụ thuộc vào dòng tiền

Đề cập về sự “trỗi dậy” của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong thời gian gần đây, ông Tuấn nhận định đây là hệ quả khi dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường. Tuy nhiên, đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm này lại tương đối rủi ro do cơ bản thấp, chất lượng cổ phiếu và lợi nhuận đều rất kém.

Với dòng tiền vẫn đang duy trì sự ổn định như hiện tại, câu chuyện của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã hết. Triển vọng của nhóm cổ phiếu này phụ thuộc vào dòng tiền vì khi nền kinh tế dần mở cửa, nhiều chính sách ưu đãi sẽ được dành cho nhóm doanh nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất. Do đó, nhìn chung nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ vẫn có cơ hội trong năm 2022.

Cần cải thiện về chất trước khi nâng hạng thị trường

Về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2022 hay không, thị trường Việt Nam hiện vẫn đang có quá nhiều nút thắt như câu chuyện nâng cấp hệ thống, áp dụng các hệ thống mới, những thay đổi giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Những nút thắt này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn không được giải quyết triệt để dù luật chứng khoán 2019 ra đời có nhiều khung pháp lý rõ ràng. Mấu chốt của vấn đề hiện nằm ở hai Sở khi việc nâng cấp hệ thống, cho ra đời các sản phẩm mới, minh bạch thông tin thị trường và những hệ thống liên quan khác đều thuộc trách nhiệm của hai Sở.

Ông Tuấn kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE thăng hạng trong năm 2023, còn với MSCI thì sẽ lâu hơn, trong năm 2024 hoặc 2025.

“Bản thân tôi không kỳ vọng thị trường sẽ được thăng hạng quá nhanh, mà thay vào đó, việc cải thiện thị trường, thêm những sản phẩm mới là điều cần được ưu tiên”, ông Tuấn nói thêm.

Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trong nước đang đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những yếu tố tác động trực tiếp đến nhà đầu tư trong nước như rút ngắn thời gian giao dịch cũng quan trọng không kém gì việc nâng hạng thị trường, bởi đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa thấy có dấu hiệu đổi chiều được trong tầm từ 3-6 tháng nữa.

Exit mobile version