Khoảng trống thông tin sau cấp room tín dụng, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Khoảng trống thông tin sau cấp room tín dụng, nhà đầu tư cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Ông đánh giá thế nào vào phản ứng của các cổ phiếu Ngân hàng cũng như thị trường chung sau khi có xác nhận từ NHNN về việc cấp room tín dụng?

Trước tiên, nếu phân tích kỹ về thông tin trên, có thể nói thông tin nới room tín dụng đợt này vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tốt chưa thỏa mãn kỳ vọng. Về mặt tích cực, thông tin nới room tín dụng sau thời gian dài đồn đoán đã chính thức được phân bổ đến các ngân hàng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy nhiên, có thể thấy con số được cấp thêm đợt này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng mà các ngân hàng đặt ra đầu năm để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Điều này khiến nhiều ngân hàng khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Việc đến nay Ngân hàng nhà nước mới chốt nới room tín dụng và ở mức dè dặt cũng cho thấy quan điểm thận trọng cần thiết trong điều hành chính sách.

Về mặt thị trường, cá nhân tôi không bất ngờ với việc thị trường điều chỉnh khi thông tin nới room tín dụng được chính thức công bố. Một mặt bối cảnh thị trường nhiều biến động từ bên ngoài, mặt khác sau những sự thất vọng nhất định từ việc thanh khoản thị trường không những không tăng mà còn giảm sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới, sau khi thông tin về room tín dụng được công bố, gần như thị trường trong nước sẽ thiếu vắng thông tin hỗ trợ cho đến cuối tháng, trước khi khởi động mùa KQKD thú vị quý 3.

Một diễn biến khác cũng rất đáng chú ý là lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá đã có biến động khá nóng tuần qua. Theo ông, có mối liên hệ nào đang diễn ra giữa những chuyển động này và thị trường chứng khoán?

Trước tiên, diễn biến lãi suất liên ngân hàng tuần qua rất đáng chú ý. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7/9 cho thấy lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng mạnh 1,17 điểm % lên 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ cuối năm 2012.

Trong những ngày cuối tuần, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đôi chút. Về động thái này, theo tôi có 2 nguyên nhân chính: một là việc ngân hàng nhà nước chính thức nới room tín dụng, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc giải ngân vốn, hai là việc tỷ giá gặp áp lực lớn do đồng Dollar Mỹ không ngừng mạnh lên trong thời gian qua, đặc biệt là sau hội nghị Jackson Hole, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp, đồng nghĩa một lượng VND bị hút bớt vào. Trong tuần qua, USD/VND cũng có những thời điểm tăng mạnh, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực nhưng áp lực vẫn là rất lớn trong thời gian tới.

Theo quan điểm của tôi, không có mối quan hệ truyền dẫn giữa lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiết kiệm, do đó việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong thời gian qua có thể không có những tác động trực tiếp đến thị trường. Tuy nhiên việc lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm lên cao nhất 10 năm cho thấy các biến số vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá có những biến động rất đáng kể và khó lường. Cần theo dõi tiếp tục các biến số bên ngoài tác động thế nào đến thị trường trong thời gian tới.

Xin ông đánh giá thêm về bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu và diễn biến của giá hàng hóa?

Như phân tích ở trên, trong khoảng 1-2 tuần tới, trước khi mùa KQKD mới khởi động, thị trường Việt Nam sẽ rất vắng thông tin hỗ trợ. Do đó dù quan điểm có như thế nào, thị trường cũng sẽ chịu tác động lớn bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là quãng thời gian nhiều biến động của thị trường quốc tế sắp tới.

Hiện tại, sau Jackson Hole, quan điểm của tôi về yếu tố liên thị trường là tiêu cực với động thái cứng rắn của FED với lạm phát. Hiện tại xu hướng trong ngắn hạn là chứng khoán giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, hàng hóa giảm và đồng Dollar Mỹ tăng, điều này không tốt với chứng khoán trong nước. Các phiên cuối tuần qua, bức tranh liên thị trường tạm bình ổn hơn nhưng chưa giúp thay đổi xu hướng ngắn hạn.

Đầu tuần này, 13/09, Mỹ sẽ công bố CPI tháng 8. Tuần tiếp theo, FED sẽ họp vào ngày 20-21/09. Dù muốn dù không, nhà đầu tư cũng cần phải lưu tâm nhất định đến các thông tin này.

Các cổ phiếu đã chiết khấu khá mạnh, đâu là những cơ hội nhà đầu tư có thể quan tâm?

Trên thực tế, chúng ta cũng đều có thể thấy rằng trước nhiều biến động, vĩ mô của Việt Nam vẫn rất ổn định và giàu tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên việc chứng khoán lên xuống là câu chuyện của dòng tiền và nếu bối cảnh nhiều bất ổn, dòng tiền vẫn chưa tự tin quay trở lại. Điều này đúng ở góc độ thị trường chung cho đến từng cổ phiếu cụ thể.

Hiện tôi vẫn đánh giá kịch bản thị trường đi ngang trong biên hỗ trợ 1.200-1.200 và kháng cực 1.280-1.300. Cũng chưa cần quá bi quan về thị trường nhưng cần xác định dòng tiền yếu, thị trường phân hóa và cơ hội sẽ tập trung ở những câu chuyện cụ thể của từng ngành, cổ phiếu.

Như đã nói ở trên, thị trường Việt Nam sẽ khá trống tin cho đến khi mùa KQKD mới bắt đầu vào cuối tháng. Về mùa KQKD năm nay, tôi đánh giá cao các nhóm cổ phiếu hồi phục sau đại dịch, có kết quả kinh doanh cải thiện đột biến so với mùa giãn cách năm trước. Trong bối cảnh nhiều biến động, nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng sẽ là một lựa chọn trong trung hạn.

Exit mobile version