Ông chủ Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết từng sở hữu khối tài sản gần 60.000 tỷ đồng, vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm. Thế nhưng ít ai biết, chàng thanh niên Trịnh Văn Quyết từng có thời kỳ khốn khó tới nỗi không có xe đạp để đi, dấn thân vào thương trường bằng nghề buôn điện thoại cũ.
Con đường lập nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông sinh ra tại một gia đình công chức nghèo. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã mở văn phòng gia sư và buôn bán điện thoại, vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Sau 2 năm làm thợ sửa chữa, tranh thủ học vào buổi tối, hè năm 1996, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc liền lúc nhận giấy báo trúng tuyển vào 3 trường đại học. Ông quyết định chọn đại học Luật Hà Nội để theo học. Hoàn cảnh khi ấy khó khăn tới mức ông Quyết từng chia sẻ: “Khi còn là sinh viên, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một chiếc xe đạp”.
- Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC) ra đời. Với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ…
- Năm 2006, ông Trịnh Văn Quyết chuyển đổi từ văn phòng Luật sư SMiC thành Công ty Luật TNHH SMiC.
- Năm 2008, ông Quyết thành lập công ty Trường Phú Fortune – cái nôi của tập đoàn FLC, lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán với CTCP chứng khoán FLCS (Chứng khoán Artex)
- Năm 2009, khởi công FLC Landmark Tower, ông Trịnh Văn Quyết trở thành ngôi sao mới nổi trên thị trường bất động sản.
- Năm 2010, các lĩnh vực thu về một mối, Trường Phú Fortune chuyển thành tập đoàn FLC.
- Năm 2012, Ông Quyết là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu” của năm đó.
- Năm 2014, khởi công khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn trên khu đầm lầy nước mặn rộng 200 hecta.
- Năm 2015, khởi công dự án Twin Tower, đại gia Trịnh Văn Quyết thành “bầu” Quyết của đội bóng đá FLC Thanh Hóa.
- Năm 2016, cổ phiếu ROS của FLC Faros lên sàn, ông Quyết soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 33.000 tỷ đồng.
- Năm 2017, thành lập Bamboo Airways – Hàng Không Tre Việt vốn 700 tỷ. Tháng 3/2017, ông Quyết sở hữu gần 2 tỉ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông không được Forbes ghi nhận tỉ phú USD và vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này.
- Ngày 16/01/2019 Hãng bay Bamboo Airways vừa chính thức cất cánh. Hãng bay này chuyên phục vụ các tuyến bay nội địa kết nối với các địa phương có các khu nghỉ mát của FLC cũng như các tuyến bay quốc tế.
- Ngày 7/4/2020, ông Quyết xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và chấm dứt tư cách Thành viên Hội đồng quản trị FLC FAROS. Ngoài ra, Ông còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways). Đây là Công ty thành viên của tập đoàn FLC.
Khởi nghiệp từ tay trắng, song đến hiện tại, ông Quyết từng có hai năm liên tiếp nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, là một trong 5 luật sư được vinh danh trong chương trình hãng luật và luật sư tiêu biểu.
Khối tài sản mà vị đại gia này đang nắm giữ
Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa 2 ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Lần đầu là vào năm 2016, tổng tài sản của Trịnh Văn Quyết khoảng hơn 31 ngàn tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Đến 2017, ông sở hữu khối tài sản được cho là khoảng gần 59 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn chưa được thừa nhận chính thức.
Hồi đầu năm 2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Trong đợt này, riêng ông Quyết tham gia góp vốn gần một nửa, khoảng 1.738 tỷ đồng trong khi Tập đoàn FLC góp bổ sung 550 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn FLC hiện đang sở hữu khối tài sản khoảng hơn 5.000 tỷ đồng và chỉ còn xếp thứ 32 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán (thứ hạng có thể thay đổi tùy thời điểm khảo sát). Ông Quyết hiện vẫn nắm 3.231 tỷ đồng từ cổ phiếu FLC, 1.386 tỷ đồng từ cổ phiếu GAB, 179 tỷ đồng từ cổ phiếu ROS và 49 tỷ đồng từ cổ phiếu ART.
Sở hữu khối gia tài khổng lồ nhưng chưa từng có được danh xưng tỷ phú?
Từ năm 2017, theo danh sách tỉ phú USD của tạp chí Forbes công bố, Việt Nam ghi nhận 2 tỉ phú USD thế giới, đó là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (2,4 tỉ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet Air (1,2 tỉ USD). Trong khi đó, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD từ cuối tháng 10/2016, tuy nhiên, đại gia họ Trịnh vẫn chưa được công nhận là tỷ phú.
Khi đó, trao đổi với báo chí, Janelle Kuah – Giám đốc truyền thông Forbes Châu Á khẳng định: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết. Tính tới thời điểm này, ông Quyết vẫn chưa được xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào mà Forbes xếp hạng”.
Cụ thể, tạp chí này định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú. Điều đó cho thấy tài sản trên sàn chứng khoán chỉ là một trong các tham số của Forbes trong việc quyết định đưa tên các đại gia vào danh sách người giàu nhất thế giới.
Việc thống kê tài sản của Chủ tịch FLC thông qua sở hữu các cổ phiếu trên sàn chứng khoán luôn là một dấu hỏi lớn về giá trị cũng như tiềm năng thực sự của FLC, cũng như cá nhân ông Quyết.
Đại gia gốc Vĩnh Phúc cho biết bản thân không quan tâm tới tin đồn, về gia thế, về việc mình bị bắt hay thao túng giá chứng khoán. Nói về thao túng giá cổ phiếu FLC, ông Quyết từng đưa ra khẳng định bản thân không làm giá.
Chủ tịch FLC từng khẳng định: “Diễn biến giá cổ phiếu rất mang tính thị trường, do cung – cầu quyết định, hôm nay có thể lên, mai lại xuống. Thị trường là như vậy”.