Theo IHS Markit, xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga có thể gây ra gián đoạn trên thị trường năng lượng như quy mô của các cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn trong những năm 1970.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu.
Một vài người mua từ châu Âu, các hãng vận tải, ngân hàng và bảo hiểm đã ngày càng đề phòng hơn khi mua dầu Nga trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine tăng nhiệt những ngày gần đây. Thời gian gần đây, các tập đoàn dầu khí của Nga chào bán dầu với mức giá chiết khấu cao kỷ lục nhưng không mấy ai quan tâm.
Phó chủ tịch của IHS Markit Daniel Yergin cho biết dù Mỹ đến nay chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ Nga nhưng các giao dịch tại Mỹ bắt đầu dè chừng với hoạt động nhập khẩu mặt hàng này khiến các thị trường năng lượng bị gián đoạn. Nga hiện xuất khẩu khoảng 7,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế mỗi ngày.
“Đây sẽ là một sự gián đoạn thực sự lớn về mặt hậu cần và mọi người sẽ tranh giành tìm kiếm các nguồn thay thế. Một cuộc khủng hoảng nguồn cung – hậu cần – thanh toán và điều này có thể xảy ra như quy mô của những năm 1970”.
Các thành viên của NATO nhập khẩu một nửa dầu xuất từ Nga. “Một số sản lượng trong số đó sẽ bị gián đoạn”, ông cho biết.
“Đây có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập và cuộc cách mạng Iran vào những năm 1970”, ông cho biết. Cả hai sự kiện đều là những cú sốc dầu lớn trong thập kỷ đó.
Tháng 10/1973, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ và châu Âu nhằm trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập – Syria. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu.
Tiếp sau đó, cách mạng Hồi giáo Iran đã gây ra cuộc khủng hoảng dầu lửa lớn thứ hai thế giới.
Nhiều thương hiệu tiêu dùng toàn cầu từ Apple đến Nike và các tập đoàn năng lượng lớn BP, Shell và Exxon Mobil đã thông báo rút khỏi hoặc đóng băng hoạt động ở Nga.
Cùng lúc đó, OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục.