Kịch bản nào cho giá xăng ngày mai (10/11)?

Kịch bản nào cho giá xăng ngày mai (10/11)?

Theo chu kỳ thì ngày mai (10/11), giá xăng dầu sẽ được Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh theo kịch bản nào, vẫn chỉ đang là sự đồn đoán.

Giá xăng tiếp tục tăng?

Theo Bộ Công Thương công bố dữ liệu, trên thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân cập nhật gần đây xăng cho thấy, RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 100,66 USD/thùng; xăng RON 95 là 104,16 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu diesel là 94,66 USD/thùng.

Có thể thấy, giá xăng thế giới có xu hướng tăng so với chu kỳ trước. Trong đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 đã vượt mốc 100 USD/thùng.

Trong khi đó, sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm xuống còn 82,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 cũng giảm 0,01% xuống 83,69 USD/thùng.

Nhận định về giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh ngày mai (9/11), lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, giá xăng vẫn đứng trước áp lực tăng, dự báo ở mức khoảng 300 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu giảm khoảng 200 đồng mỗi lít.

Trong kỳ điều chỉnh lần trước vào ngày 26/9, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.430 đồng; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg. Theo đánh giá, đối với xăng, đó là thời điểm có mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Đại biểu quốc hội trăn trở

Bị tác động bởi giá xăng dầu trên thế giới trong cuộc khủng hoảng năng lượng, giá xăng trong nước liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh gần đây, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Không những vậy, nó còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế. Theo ông Cường nêu quan điểm, cần phải xem xét tổng thể những khoản gì đã làm cho giá xăng dầu đội lên, chi phí nào cần phải rà soát lại và cắt giảm để giá xăng dầu không tăng quá cao.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Ông nói: “Chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, GTGT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ ngành đã vào cuộc để giảm áp lực việc tăng giá thành. Mặt hàng xăng dầu đã được liên bộ Công Thương – Tài chính sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức tăng trong nước so với mức tăng cao của thế giới.

Ông Hải thông tin, tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng 59,08 – 76,03%. Việt Nam nhờ sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tới nay chỉ tăng 40,23 – 52,59%.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù đây là mức tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng là cố gắng, nỗ lực của liên bộ và Chính phủ. Vì chúng ta chỉ sử dụng quỹ bình ổn.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version