Nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ ghi nhận sự sụt giảm trong quý I/2025, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,3%, theo số liệu do Cục Phân tích Kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại công bố.
Đây là sự đảo chiều so với mức tăng trưởng 2,4% trong quý IV/2024, và là dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô đang hiện hữu.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến GDP giảm là sự gia tăng đột biến trong hoạt động nhập khẩu – vốn được tính là yếu tố trừ trong cách đo lường GDP. Cụ thể, trong quý I, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã tăng tới 50,9% so với cùng kỳ, do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập hàng để tránh các mức thuế mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp dụng.
Một ngày trước đó, dữ liệu thương mại tháng 3 cho thấy thâm hụt hàng hóa của Mỹ đã vọt lên mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư và buộc nhiều nhà phân tích phải hạ mạnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay.
Suy giảm GDP trùng thời điểm “100 ngày đầu nhiệm kỳ” của Tổng thống Trump
Thông tin GDP giảm được công bố đúng vào dịp Tổng thống Trump đánh dấu cột mốc 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, thay vì là một dịp để ghi điểm, các cuộc khảo sát gần đây lại phản ánh sự sụt giảm niềm tin của công chúng vào chính sách kinh tế của ông.
Theo kết quả khảo sát từ Reuters/Ipsos công bố hôm 27/4, chỉ 36% người dân Mỹ cho biết họ hài lòng với cách Tổng thống điều hành nền kinh tế – mức thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Điều này trái ngược hoàn toàn với chiến thắng vang dội của ông Trump trong kỳ bầu cử năm ngoái, vốn được xây dựng trên làn sóng bất mãn về tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn mất động lực
Dù GDP giảm, một số chỉ số nội tại cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn rơi vào trạng thái suy thoái. Tiêu dùng – yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng – vẫn ghi nhận mức tăng 1,8% trong quý I. Đầu tư doanh nghiệp cũng tăng mạnh 21,9%, cho thấy một số khu vực kinh tế vẫn duy trì được sức bật.
Một số nhà kinh tế lưu ý rằng việc nhập khẩu lượng lớn vàng trong quý đầu năm có thể là yếu tố kỹ thuật gây méo số liệu GDP. Tuy nhiên, phần lớn vẫn cho rằng báo cáo GDP lần này phản ánh đúng thực trạng bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế nhập khẩu tiếp tục gây sức ép lên hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Áp lực từ lạm phát và niềm tin người tiêu dùng giảm sâu
Lạm phát tiếp tục là mối lo lớn khi chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – đã tăng 3,6% trong quý I, cao hơn đáng kể so với mức 2,4% của quý trước. Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 3 đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, còn niềm tin doanh nghiệp cũng đồng loạt suy giảm.
Đáng chú ý, nhiều hãng hàng không lớn tại Mỹ đã cắt giảm dự báo lợi nhuận cho năm 2025, với lý do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các khoản không thiết yếu như du lịch, trong bối cảnh chi phí tăng vì thuế nhập khẩu.
Căng thẳng thương mại tiếp tục phủ bóng nền kinh tế
Tình trạng tăng trưởng chững lại diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ khởi xướng vẫn chưa hạ nhiệt. Tính đến thời điểm hiện tại, Washington đã áp thuế 10% với tất cả các đối tác thương mại, trong đó Canada và Mexico chịu mức 25%, còn Trung Quốc bị áp tới 145% – mức cao chưa từng có. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực như thép, nhôm và ô tô cũng chịu thuế riêng.
Đáp trả, các quốc gia như Trung Quốc và Canada đã triển khai nhiều biện pháp trả đũa, làm gia tăng sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy các doanh nghiệp Mỹ vào thế khó.
Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế, song với áp lực lạm phát và bất ổn chính sách kéo dài, con đường phục hồi của kinh tế Mỹ có thể sẽ đầy chông gai trong những quý tiếp theo.
Mộc Miên (Tổng hợp)