Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% năm 2021

GDP năm 2021 của Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ

GDP năm 2021 của Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ

Trong cả năm 2021, GDP của Trung Quốc đạt 114,367 nghìn tỷ nhân dân tệ và GDP quý IV tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm.

Theo dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay (17/1), trong quý IV, GDP của Trung Quốc tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và trong cả năm 2021, GDP của Trung Quốc tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua.

Tính theo các quý, quý I tăng 18,3%, quý II tăng 7,9%, quý III tăng 4,9% và quý IV tăng 4,0%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, sản xuất thiết bị và công nghệ cao tăng trưởng nhanh chóng. Trong tháng 12, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 4,3% trong tháng 12, nhỉnh hơn so với mức 3,8% của tháng trước đó.

Tính chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dịch vụ cả nước tăng 13,1% so với năm trước, bình quân hai năm tăng 6,0%.

Đầu tư vào tài sản cố định duy trì tốc độ tăng trưởng, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và công nghiệp công nghệ cao tăng trưởng tốt. Cả năm đầu tư tài sản cố định của cả Trung Quốc (trừ nông dân) là 54.454,7 tỷ NDT, tăng 4,9% so với năm trước.

Xuất nhập khẩu hàng hoá tăng trưởng nhanh, đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá là 39.100,9 tỷ NDT, tăng 21,4% so với năm trước. 

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã bỏ lỡ kỳ vọng và chỉ tăng 1,7% trong tháng 12 so cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong tháng 12 ngang với mức trung bình của năm là 5,1%. Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi vẫn cao hơn nhiều ở mức 14,3%.

Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau đại dịch coronavirus, nhưng tăng trưởng chậm lại dưới áp lực từ Bắc Kinh buộc các nhà phát triển bất động sản phải cắt giảm mức nợ. Điều đó gây ra sự sụt giảm doanh số bán hàng và xây dựng.

Chính sách zero-Covid của Trung Quốc nhằm kiểm soát đại dịch đã hạn chế đi lại trong nước. Các nhà phân tích đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu lợi ích của chiến lược zero-Covid của Trung Quốc có đáng đánh đổi với chi phí bỏ ra hay không xét trên mức độ dễ lây lan nhưng ít nguy hiểm của biến thể Omicron.

Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 do kỳ vọng các lệnh hạn chế gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Các nhà phân tích cho biết, tiêu dùng có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi xuất khẩu chịu ít tác động hơn. Họ kỳ vọng việc nới lỏng chính sách của chính phủ sẽ bù đắp một nửa tác động từ các lệnh hạn chế cho Covid và tác động tiêu cực sẽ tập trung vào quý đầu tiên của năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 sẽ giảm xuống chỉ còn 4,9%. IMF dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, chậm hơn hai năm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra trước đó. 

Exit mobile version