Kinh tế Việt Nam và những chỉ số lạc quan trong tháng 10

Nền kinh tế đã bước đầu có những chỉ số lạc quan sau khoảng thời giản thực hiện quy định tạm thời của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt” với những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng hơn.

Tín hiệu phục hồi kinh tế từ sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP 10 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đồng thời, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%; dệt tăng 7,8%;…

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 19,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như linh kiện điện thoại tăng 38,8%; thép cán tăng 37,3%; xăng dầu các loại tăng 15,5%; khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%; ô tô tăng 12,4%; sắt, thép thô tăng 11,4%; sữa bột tăng 9,6%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; giày, dép da tăng 8,5%.

Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2021 tăng 7,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 7,9% so với cùng thời điểm năm 2020.

Thông tin thêm, Tổng cục Thống kê cho biết nếu tính theo địa phương, IPP 10 tháng năm 2021 của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 địa phương tăng cao.

Doanh nghiệp dần phục hồi

Cũng theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 4.304, tăng 29,8% so với tháng trước. Cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 707,7 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, một tín hiệu khác nhiều hy vọng cho nền kinh tế cũng cần được nhắc tới. Theo đó, từ đầu năm đến nay, 35,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 129 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, bình quân một tháng có 12,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Dù vậy, những tác động của Covid-19 với nền kinh tế cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu khá cụ thể. Trong 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân 1 tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo khu vực kinh tế, 10 tháng năm nay có 1.603 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước; 25,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 24,6%; 66,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 11,5%.

Tín hiệu phục hồi kinh tế từ các địa phương

Không chỉ lạc quan ở các chỉ số kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các địa phương cũng dần khởi sắc cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang thực sự trở lại. Tại các địa bàn từng làm tâm dịch, đóng vai trò then chốt phát triển kinh tế vùng, các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại nhiều hơn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương cho biết, đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373 ngàn người, đạt 76,38%. Trong đó, mô hình “3 xanh” có gần 285 ngàn lao động, mô hình “3 tại chỗ” có 44.211 lao động và mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” có 43.192 người lao động. 

Sau khoảng 1 tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn.

Tại Đồng Nai, trên 92% doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh này đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất. Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp đang liên tục bổ sung lao động để đưa các dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tổ chức cho lao động đi, về hằng ngày, bỏ thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”.

Trong các KCN của tỉnh Đồng Nai có khoảng 1.713 dự án đang hoạt động, khi xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chỉ có hơn 1,1 ngàn doanh nghiệp duy trì được sản xuất, còn lại gần 600 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Từ cuối tháng 9/2021, tỉnh bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại và nâng công suất các nhà máy, đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho đối tác trong và ngoài nước.

Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã giao cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp đều lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang trên đà phục hồi khá tốt, dự tính tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng hơn 11,2% so với tháng trước, kéo theo xuất khẩu tăng gần 300 triệu USD.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn khá sớm để khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng phát triển, tuy nhiên, các chỉ số vẫn kinh tế vĩ mô lạc quan vẫn rất đáng ghi nhận sau những ngày tháng “u ám” bởi Covid-19. Để vực dậy nền kinh tế, rõ ràng còn nhiều việc phải làm, song hoạt động sản xuất mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng rất đáng để hy vọng.

Exit mobile version