Ngày mai (1/7), Liên bộ Tài Chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo dự báo, nhiều khả năng giá xăng ngày mai sẽ hạ nhiệt.
Giá xăng ngày mai được kỳ vọng điều chỉnh giảm
Trước đó, giá xăng dầu đã có 7 lần tăng liên tiếp. Do vậy, trong lần điều chỉnh giá mặt hàng này vào ngày mai của liên Bộ Tài Chính – Công Thương, giá xăng được kỳ vọng giảm.
Chia sẻ trên Dân Trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng dầu ngày mai có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, mức giảm như thế nào phụ thuộc vào việc điều hành quỹ, về cơ bản mức giảm sẽ nhẹ.
Vị này cho hay, vừa qua trên thế giới, giá dầu thô giảm nhưng lại bật tăng trở lại trong thời gian gần đây do những lo lắng về nguồn cung thắt chặt.
Cụ thể, ngày 28/6, các loại dầu đều tăng hơn 2% do lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt vì phương Tây tiếp tục các lệnh trừng phạt lên Nga. Các nước G7 đồng ý tìm kiếm các lựa chọn để áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga khiến cho giá dầu tăng.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cập nhật dữ liệu cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore gần đây có xu hướng giảm nhẹ so với chu kỳ trước. Trong đó, xăng RON 92 có giá khoảng 148 USD/thùng, xăng RON 95 có giá khoảng 155 USD/thùng.
Từ ngày 21/4 đến nay, xăng đã có 7 lần tăng. Tính tổng cộng, mỗi lít RON 95-III đã tăng thêm 5.560 đồng; E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng. Nếu giá xăng dầu trong nước ngày mai giảm theo đúng dự báo thì đó là lần giảm đầu tiên sau liên tiếp 7 lần tăng. Tuy nhiên mức giảm nhẹ nhàng nên giá của chúng vẫn đang trên “đỉnh”.
Trong kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 21/6, giá xăng E5 RON 92 hiện đang là 31.300 đồng/lít; giá xăng RON 95-III là 32.870 đồng/lít, giá dầu diesel là 30.019 đồng/lít, giá dầu hỏa 28.785 đồng/lít, giá dầu mazut 20.735 đồng/kg.
Còn đó những nỗi lo
Câu chuyện giá xăng thời gian vừa qua trở thành vấn đề được quan tâm hơn ai hết khi nó khiến cho tình hình lạm phát trở nên áp lực hơn.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 tăng 0,69%; tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 6 được ghi nhận là có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Cơ quan này đánh giá, việc giá xăng dầu trong nước tăng cao liên tục theo giá nhiên liệu thế giới đã khiến cho giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đều tăng. Giá nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí vận chuyển là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 6 tăng.
Nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội, chuyên gia thời gian qua đã đề nghị kìm giá xăng dầu, chống lạm phát bằng cách chủ động giảm thuế. Bộ Tài chính hiện đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.