“Nhờ” lạm phát, người Mỹ phải chi tiêu thêm trung bình hơn 3000 USD/năm!

Ai đang cảm nhận được sức ép của lạm phát rõ ràng nhất? Không ai khác ngoài người dân bình thường. Lạm phát đang đặt ra gánh nặng ngày càng lớn đối với các hộ gia đình Mỹ, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp vì nó chiếm dụng một phần lớn nguồn tài chính của họ.

Chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1/2022, phá kỷ lục cao nhất kể từ tháng 3/1982, đây là một cái giá quá đắt mà một gia đình Mỹ tầm trung cần phải trả. Vậy cái giá đó là bao nhiêu?

Moody’s Analytics đã so sánh tỷ lệ lạm phát hiện tại là hơn 7% với tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm 2018-2019 (khoảng 2,1%) và phát hiện ra rằng tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến các hộ gia đình Mỹ chi tiêu trung bình thêm 276 USD trong tháng 1/2022, tương đương hơn 3.000 USD một năm.

Thế hệ trong độ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát cao là từ 35 đến 44 tuổi. Những người thuộc thế hệ Millennial thuộc những năm 1970 đến đầu những năm 1980 đã chứng kiến ​​chi phí tăng 6,9% vào năm ngoái – mức cao nhất so với mọi lứa tuổi.

Những người hưu trí từ 65 tuổi trở lên phải gánh chịu mức tăng giá 5,8% vì phần lớn chi tiêu của họ dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, những mặt hàng này tăng ở mức thấp hơn mức lạm phát.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, khoảng 36% người Mỹ không có đủ tiền mặt để chi trả cho khoản chi phí khẩn cấp 400 USD, chẳng hạn như sửa chữa xe hơi hoặc hóa đơn y tế.

Một nghiên cứu của Wells Fargo cũng chỉ ra rằng, những người đang phải thuê nhà cũng “thấm đòn đau” khi họ phải chi trả nhiều hơn cho chi phí thuê nhà. Tầng lớp trung lưu cũng thuộc nhóm cảm nhận sâu sắc nhất nỗi đau lạm phát vì họ phải dành nhiều hơn thu nhập vào phương tiện vận chuyển và năng lượng – nhóm tăng giá mạnh nhất trong rổ chỉ số CPI.

Các hộ gia đình kiếm được nhiều tiền hơn có xu hướng đi ăn ngoài thường xuyên hơn và người có thu nhập cao hơn cũng có nhiều khả năng mua ô tô mới hơn, giá xe tăng ở mức thấp hơn mức lạm phát.

Ryan Sweet, giám đốc cấp cao của nghiên cứu kinh tế tại Moody’s, cho biết, “Đã có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng đối với chuỗi cung ứng của Mỹ đang giảm bớt. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ là một yếu tố quan trọng làm giảm lạm phát cơ bản trong năm nay.”

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về tác động của “vòng xoáy tiền lương – giá cả”.

Đối mặt với áp lực cuộc sống tăng nhanh, người lao động sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng tiền lương không tăng kịp với tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ suất lợi nhuận thì chi phí tiền lương tăng lên tất yếu sẽ buộc người sử dụng lao động phải tăng giá hàng hóa để chuyển cho người tiêu dùng, gây lạm phát cao kéo dài.

“Vòng luẩn quẩn này là lý do thực sự đằng sau lạm phát cao cách đây hơn 30 năm,” Ryan Sweet khẳng định.

Lạm phát đã trở thành điểm quan tâm chính của các quan chức Fed. Mặc dù lạm phát ở mức vừa phải tốt cho nền kinh tế, nhưng nếu lạm phát quá nhiều có thể gây thiệt hại sâu sắc, đặc biệt nếu người tiêu dùng bắt đầu tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Khi những kỳ vọng lạm phát đó ngày càng tăng mạnh, áp lực giá cả có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh đến mức làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Exit mobile version