Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ vượt 61% trong tháng Ba, đạt mức cao nhất trong 20 năm, do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao làm tăng thêm thách thức kinh tế đối với chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Vào tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 61% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn mức 54% vào tháng 2 và là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2002.
Giá thực phẩm, chiếm 25% trong rổ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá năng lượng tăng 103% và chi phí vận tải tăng 99%.
Giá hàng hóa quốc tế tăng vọt đang ảnh hưởng nặng nề đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nhập khẩu gần như toàn bộ dầu và khí đốt từ nước ngoài.
Trong khi đó, dữ liệu giá sản xuất (PPI) tăng gần 115% so với cùng kỳ tháng 3/2022.
Bình luận về số liệu lạm phát chính thức được công bố ngày 4/4 này, Bộ trưởng Tài chính Nureddin Nebati cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua một “thời kỳ bất thường” vì đối mặt với đại dịch Covid-19. và sau đó là xung đột ở Ukraine.
Các chính trị gia đối lập cho rằng tỷ lệ lạm phát thực tế cao hơn nhiều so với con số được công bố. Ali Babacan, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đà tăng giá đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Chuyên gia Veli Agbaba cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang “dần rơi vào siêu lạm phát” – được định nghĩa là lạm phát trong 12 tháng cao hơn 50% trong nhiều tháng liên tiếp.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự đoán lạm phát sẽ vượt qua 65% và “sẽ dao động trên mức này trong phần lớn thời gian của năm 2022” trước khi giảm xuống 45% vào tháng 12 năm 2022.
Trên thực tế, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức rất cao ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine khiến giá hàng hóa tăng vọt.
Ngân hàng trung ương của nước này đã cắt giảm lãi suất 5 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm 2021 khi Tổng thống Erdogan yêu cầu các nhà hoạch định chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế bất chấp áp lực giá cả.
Với lãi suất cho vay chuẩn của ngân hàng trung ương ở mức 14%, lãi suất thực của Thổ Nhĩ Kỳ là âm 47% khi tính đến lạm phát tháng Ba. Lãi suất thực âm quá nhiều sẽ gây thêm áp lực lên đồng lira. Kể từ đầu năm 2022, đồng lira đã giảm 9% so với USD.
Vũ Hảo (Theo Reuters)