Lần đầu Bến xe Miền Tây báo lỗ 7 tỷ đồng

Lần đầu Bến xe Miền Tây báo lỗ 7 tỷ đồng

Lần đầu Bến xe Miền Tây báo lỗ 7 tỷ đồng

Sau hơn chục năm niêm yết, lần đầu tiên trong lịch sử, công ty quản lý bến xe miền Tây báo lỗ gần 7 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm 98%

Theo kết quả Công ty CP Bến xe Miền Tây vừa công bố, doanh thu hoạt động trong quý III của công ty này sụt giảm mạnh tới 98%, chỉ còn gần 600 triệu đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty báo lỗ gộp gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 16 tỷ đồng.

Lãi suất huy động tiền gửi giảm, không còn lợi nhuận khác nên nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng sụt giảm 61% về dưới 1,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, nhờ giảm trích tiền lương và chi phí khác nên chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm phân nửa.

Lợi nhuận sau thuế của Bến xe miền Tây.

Trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng hơn 17 tỷ thì năm nay, kết quả công ty báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ đầu tiên của công ty sau hơn chục năm chào sàn. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) từ mức cao 5.981 đồng hồi quý III/2020 về mức âm 3.499 đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bến xe Miền Tây ghi nhận doanh thu thuần giảm 38% so với cùng kỳ về mức 50 tỷ đồng. Lãi ròng của công ty cũng giảm 67% khi chỉ còn gần 14 tỷ. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 53% xuống chỉ còn 35%.

Ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19

Theo lý giải của Bến xe Miền Tây, kết quả này là do ảnh hưởng của Covid-19. Công ty phải ngừng hoạt động và chỉ nhận trông giữ xe hai bánh, thu phí dịch vụ xe ra vào bến chở hàng hóa.

Năm 2021, bến xe này đặt kế hoạch doanh thu 131 tỷ đồng và lãi sau thuế 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 9 tháng đầu năm, công ty mới chỉ thực hiện 38% chỉ tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn dương 43 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm 30/9 ghi nhận hơn 190 tỷ đồng, trong đó hơn 141 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng.

Công ty quản lý bến xe này vốn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ trên sàn khi có vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng. Nhưng thị giá WCS lại nổi tiếng là có mức độ đắt đỏ bậc nhất khi liên tục nằm trong top 3 mã có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán.

Bến xe Miền Tây từng được xem là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hàng đầu trên sàn chứng khoán khi chỉ số EPS luôn thuộc top đầu với khoảng 18.000-23.000 đồng. Mức giá này được duy trì liên tục nhiều năm qua.

Cổ phiếu WCS từng đạt đỉnh khoảng 225.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện đã bị điều chỉnh về 195.000 đồng/cổ phiếu (ngày 14/10). Quy mô vốn hóa theo đó khoảng dưới 490 tỷ đồng.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version