Lào Cai: Xuất khẩu thanh long trở lại sau 5 tháng tạm dừng

Lào Cai: Xuất khẩu thanh long trở lại sau 5 tháng tạm dừng

Hoạt động xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc được nối lại kể từ hôm nay (12/1) tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Nối lại xuất khẩu thanh long, giảm áp lực với các cửa khẩu biên giới

Để khơi thông hoạt động xuất nhập ở ở biên giới, cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần đàm phán, trao đổi để tháo gỡ khó khăn. Và đây là kết quả đáng vui mừng khi hoạt động xuất khẩu thanh long được nối lại.

Trước đó, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam qua Lào Cai do lo ngại dịch bệnh Covid-19 từ 18/7/2021. Thanh Long vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo tại đây nên năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai giảm mạnh. Trong đó, mặt hàng thanh long giảm tới 40% so với 2020.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai Hà Đức Thuận cho hay, việc xuất khẩu thanh long qua Lào Cai được nối lại đã góp phần giảm tải áp lực đối với các cửa khẩu ở khu vực biên giới. Khi mà tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Móng Cái, hoạt động xuất khẩu thanh long phải dựng hoặc rất chậm. Giá thanh long vì thế xuống rất thấp. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện để người nông dân bán mặt hàng này giá cao hơn.

Theo ông Thuận, việc xuất khẩu thanh long được nối lại qua Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành còn khẳng định sự tin tưởng của Trung Quốc với sự nỗ lực của Lào Cai trong hoạt động xây dựng “cửa khẩu xanh”, “vùng đệm an toàn” trong xuất nhập khẩu.

Dự kiến, số lượng phương tiện chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Lào Cai sẽ gia tăng khi xuất khẩu thanh long được nối lại. Cơ quan chức năng tại cửa khẩu đã tiến hành thông báo để các doanh nghiệp chủ động có phương án vận tải hàng hóa sao cho bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng, chống chống dịch; đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt.

Hiện tại, khoảng 400 phương tiện (khoảng 100 xe xuất khẩu, còn lại là xe nhập) thông quan mỗi ngày qua Lào Cai với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như ván bóc, sắn lát khô, nông sản, tinh bột sắn. Việt Nam cũng nhập chủ yếu rau, củ, quả, hóa chất, phân bón, một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước.

Khắc phục khó khăn khi Trung Quốc siết chặt kiểm dịch

Vừa qua, không chỉ thanh long mà nhiều mặt hàng khác cũng gặp khó khăn khi thông quan bởi Trung Quốc siết chặt việc kiểm dịch. Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, tính đến sáng 28/12, vẫn có 3.838 xe tồn. Dù lượng xe có giảm nhưng chủ yếu do doanh nghiệp và chủ hàng quay đầu vì nông sản có dấu hiệu hư hỏng.

Chiều 29/12, tỉnh Lạng Sơn và Bộ Công Thương đã có cuộc họp. Tại đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nội địa; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra phương án chế biến, bảo quản đối với mặt hàng này trong những xe đang chờ xuất nhằm giảm thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đang nghiên cứu cơ chế hợp tác thí điểm giữa các tỉnh biên giới Việt – Trung có lưu lượng hàng nông sản xuất nhập khẩu lớn, để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch, sơ chế và đóng gói trái cây tươi xuất khẩu chất lượng cao.

Trước mắt, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan tiến hành trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng của Trung Quốc, từ đó thống nhất các tiêu chuẩn, kiểm dịch giữa 2 quốc gia và sớm khôi phục xuất khẩu thanh long.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version